GS Ngô Bảo Châu: Tôi đã chọn nghề cắt tóc

GS Ngô Bảo Châu: Tôi đã chọn nghề cắt tóc
TPO - GS. Ngô Bảo Châu kể lại kỷ niệm học nghề từ khi còn ngồi trên ghế trường trung học cở Trưng Vương, Hà Nội. Ông cho biết, thời đó ông đã chọn nghề cắt tóc.

Làm thế nào để định hướng nghề đúng cho con? Nếu chọn sai, hậu quả sẽ như thế nào? Đó là những băn khoăn của phụ huynh được gửi đến GS. Ngô Bảo Châu tại buổi tọa đàm thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp do vườn ươm tài năng (TaLinPa) tổ chức. Vườn ươm này cũng được sáng lập bởi chính GS. Ngô Bảo Châu.

Được trải nghiệm mới là điều quan trọng

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời gồm Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào, KTS Đoàn Kỳ Thanh, thầy giáo Đàm Hiếu Chiến, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, ông Nguyễn Thành Nam, hiệu trưởng trường ĐH FPT, chuyên gia giáo dục Trần Hồng Quang.

GS. Ngô Bảo Châu mở đầu câu chuyện bằng kỷ niệm học nghề từ khi còn ngồi trên ghế trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. “Ngày đó, điều kiện còn khó khăn nhưng các thầy cô ở trường vẫn rất nhiệt huyết để hướng nghiệp cho học sinh. Các bạn nữ được chọn một trong hai nghề là đan rổ và vá bít tất. Các bạn nam cũng được chọn một trong hai nghề là sửa xe đạp và cắt tóc. Tôi đã chọn nghề cắt tóc” – GS. Ngô Bảo Châu kể.

Dù kết quả của đợt học nghề đó là 6 học sinh (trong đó có GS. Ngô Bảo Châu) tự “lao vào” cắt tóc cho nhau đến khi trên đầu không còn tóc để cắt nhưng theo GS. Ngô Bảo Châu điều quan trọng chính là được trải nghiệm từ thực tế.

KTS Hoàng Thúc Hào thì cho hay cuối năm lớp 11, bố anh nói anh thi vào ngành kiến trúc của ĐH Xây dựng. Vì bố anh làm nội thất, thấy kiến trúc bao phủ rộng hơn nên bảo anh thi. “Thế là hàng ngày, tôi được nhốt trong nhà để bắt đầu vẽ từ quả cam” – anh Hào chia sẻ. Trong khi đó, KTS Đoàn Kỳ Thanh thì cho hay anh chọn nghề như một tai nạn. Chính vì vậy, đã từng có hơn một lần anh muốn thoát khỏi nghề KTS.

Còn bác sĩ Nguyễn Lân Hiến lại cho biết, anh chọn nghề bác sĩ là ảnh hưởng từ mẹ. “Nghề y đến với tôi rất tình cờ. Chỉ đơn giản là vì mẹ là bác sĩ, nên có phiếu được ăn phở miễn phí. Cùng với hình ành của mẹ đi đến đâu cũng được người dân quý mến đã đưa tôi đến với ngành y” – bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Bố mẹ cần đối thoại với con

Chọn nghề như thế nào cho con, luôn là câu hỏi mà bất kỳ phụ huynh nào cũng quan tâm và đau đáu. KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng trên cơ sở thống kê mà ông có được thì tỷ lệ cha mẹ đối thoại với con cái về lựa chọn nghề nghiệp rất ít.

“Dù cha mẹ có muốn con trở thành ai trong tương lai thì cuối cùng cũng là phải vì con em mình. Các phụ huynh cần hiểu rằng con cái họ đang đứng trước ngã 5 đường trong việc chọn nghề. Vì vậy, họ không nên hướng nghiệp quá sâu cho con. Tùy theo từng lứa tuổi mà các con có nhận thức về nghề nghiệp. Con trai tôi 13 tuổi. Cháu tuyên bố muốn trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Tôi không cấm hay ủng hộ mà chỉ đưa ra những thuận lợi khó khăn khi con muốn theo nghiệp này” – KTS. Thanh cho hay.

Một thực tế khác mà KTS Đoàn Kỳ Thanh đưa ra đó là việc chọn nghề của con cái không chỉ chịu sự ảnh hưởng của cha mẹ mà còn chịu sự ảnh hưởng lớn của truyền thông. GS. Ngô Bảo Châu thì cho rằng bố mẹ cần phải có một cuộc đối thoại với con cái để tìm ra gốc rễ của vấn đề này.

“Cha mẹ luôn muốn con ngoan, không hư hỏng, trường ĐH tốt cho con mà ít chú ý đến khả năng của các cháu. Các cháu có tâm tư thì cần tôn trọng tâm tư của các cháu. Câu chuyện đó không phải ai đúng ai sai mà là cuộc đối thoại cần thời gian giữa bố mẹ và con cái” – GS. Châu nói.

Tại buổi tọa đàm, có vị phụ huynh đã gửi băn khoăn của mình lên các vị khách mời đó là: làm sao để chọn nghề cho con đúng. Nếu chọn sai hậu quả sẽ như thế nào? Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng khi định hướng nghề nghiệp cho con cái, cha mẹ cần phải nói cho con biết được những thuận lợi, khó khăn của nghề mà con muốn chọn, cũng như sở trường, sở thích, khả năng của con.

GS. Ngô Bảo Châu lấy ví dụ: Toán học là một nghề “cô đơn”. Còn KTS Hoàng Thúc Hào thì cho biết, nghề kiến trúc có tỷ lệ “rơi rụng” khá cao. Không những thế, khi còn trẻ, các KTS cũng phải rất chật vật để tìm hướng đi riêng cho mình.

“Với thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần một cú click chuột là ra hàng ngàn cái nhà, ra hàng ngàn ngôi trường. Cái khó là mỗi KTS phải có cái riêng. Muốn vậy, họ phải trả giá rất nhiều” – KTS. Hoàng Thúc Hào chia sẻ.

Để giúp học sinh và phụ huynh có thể định hướng tốt hơn về nghề nghiệp trong tương lai, sắp tới, vườn ươm tài năng sẽ tổ chức một số CLB nghề nghiệp như CLB sư phạm, CLB TaLinPa code dạo...

Tại buổi tọa đàm, một hoạt động thú vị được tổ chức đối với các học sinh tham gia đó là đưa ra những nghề sẽ có trong tương lai.  3 học sinh đã đưa ra được 3 nghề được các vị khách mời đánh giá là thú vị, khả thi (Làm thủ tướng thuê, Phục hồi các loài động vật đã tuyệt chủng từ bộ gen, Vận hành mặt trời nhân tạo) được vinh dự ăn cơm với GS. Ngô Bảo Châu.
MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.