Mở đầu buổi giao lưu, một sinh viên đặt câu hỏi với GS Ngô Bảo Châu: “Theo GS. phương pháp nào là tốt nhất để các em nhỏ có thể tiếp cận sâu với môn Toán?”.
Trả lời câu hỏi này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng không có phương pháp chung nào cho tất cả mọi người, mỗi người đều có một phương pháp học riêng của mình. Có người tiếp cận với Toán vì thấy Toán dễ, có người vì muốn chinh phục nó.
“Khi thi vào chuyên Toán bị trượt, tôi thấy Toán khó, thấy lòng tự tin của mình bị tổn thương. Trước thách thức và khó khăn như vậy nên tôi càng thích Toán và từ đó quyết tâm học môn này say sưa hơn”, GS chia sẻ.
GS cũng lưu ý thêm học Toán cũng như một công việc trong cuộc sống, có lúc làm đơn độc, nhưng có lúc cần sự hỗ trợ của đồng đội mới hoàn thành, tìm ra được đáp án chính xác nhất.
Một sinh viên khác thắc mắc: “Ở phổ thông chúng em đã học hình học, học phương trình… lên đại học lại học tiếp. Nghịch lý là khi ra trường lại không áp dụng vào công việc, đời sống. Vậy có nên bỏ hoặc giảm tải không?
Thay vào đó là các dạng Toán sát sườn với ngành học và việc làm sau này?” GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận đây là vấn đề GS rất băn khoăn, rất khó nói nên bỏ hay tiếp tục.
GS chia sẻ: “Học đại học là chỉ học cái để phục vụ cho công việc khi ra trường - đó là quan điểm không đúng. Vì xã hội luôn luôn thay đổi. Cái cần học là ngày mai, chứ không phải là ngày hôm nay, vì vậy mình phải học để chuẩn bị cho cả những thay đổi của ngày mai nữa. Cốt lõi của việc học đại học là để chuẩn bị cho chúng ta có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh của cuộc sống”.
Nói về tình hình Toán học nước nhà, GS Nguyễn Hữu Dư cho hay những năm gần đây nền Toán học Việt Nam được đánh giá rất cao, đặc biệt sau khi GS Ngô Bảo Châu đạt giải Fields.
Ở Đông Nam Á, Toán học Việt Nam đứng thứ nhất sau khi vượt qua Singapore, ở châu Á chúng ta đang ngang ngửa với Hàn Quốc. Đây cũng là ngành duy nhất mà Việt Nam tiếp cận với tầm cao của quốc tế.