Giáo dục khuyên nhủ hay kỷ luật: Chuyên gia tâm lý nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nếu trẻ hiểu những hệ quả tương ứng với lựa chọn hành vi của mình thì trẻ sẽ học được ý thức trách nhiệm. Cha mẹ không cần trừng phạt nhưng trẻ vẫn trở nên kỷ luật hơn.

Câu chuyện "dạy học thời nay, có nên bỏ kỷ luật?", đang phần nào thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, giáo dục phải dựa theo nguyên tắc của kỷ luật tích cực và chú ý điểm mạnh, đặc điểm tâm lý của từng đứa trẻ.

Không cần sử dụng hình phạt với trẻ?

Có ý kiến cho rằng, “phạt” không nhất thiết là mắng, chửi hay bạo hành. Nếu phạt có mức độ, chẳng hạn bắt chép nhiều hơn các bạn một trang vở, cũng là một trong những cách thức giúp trẻ có quy tắc.

Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, nếu đưa ra 1 vế là kỷ luật thôi thì không phải là giáo dục.

Trong giáo dục thì phải nói đến “kỷ luật tích cực”. Mà “kỷ luật tích cực” dựa trên những nguyên tắc như về chỉ dẫn, hướng dẫn, có trao đổi, giải thích, đưa ra những chia sẻ để trẻ hiểu và từng mức độ mà cách thức áp dụng sẽ khác nhau.

Bà Hà cho rằng, ví dụ hồi còn bé thì đưa ra những câu chia sẻ như “con làm cái này được không"?. Nhưng nếu lớn lên thì lại hướng đến các kĩ năng xã hội, lúc đó phải giải thích tại sao lại là thế này, tại sao lại như thế kia?

Như vậy, giáo dục sẽ dựa theo nguyên tắc của kỷ luật tích cực và chú ý điểm mạnh, đặc điểm tâm lý của từng đứa trẻ để có chiến lược giải quyết những điều tích cực, các chỉ dẫn, yêu thương trẻ thế nào cho phù hợp.

Cũng theo bà Hà, nếu đứa trẻ làm đúng chỉ dẫn sẽ được khen ngợi còn làm sai thì phải chỉ dẫn lại cho trẻ. Khi trẻ chống đối hay không làm theo thì lúc đó sẽ có cách như cắt bớt thời gian hoặc tước đi quyền lợi mà trẻ đang được thụ hưởng từ các hoạt động của chúng. Việc tước đi quyền lợi không phải là mãi mãi mà chỉ trong thời gian ngắn, đủ để trẻ hiểu làm sai sẽ bị mất một việc gì đấy.

“Như vậy, không cần phải sử dụng kỷ luật theo hình thức khắc nghiệt như đánh, sử dụng ngôn ngữ mỉa mai, so sánh, đánh giá mà đơn giản là mình hướng dẫn, chỉ ra, giải thích để trẻ làm lại. Nếu trẻ không làm được thì lên một cách thức như giúp trẻ bình tĩnh, hoặc tước đi quyền lợi, lấy đi phần thưởng của trẻ”- bà Hà nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) quan điểm, rất nhiều người hàng ngày đều đang nói về “kỷ luật tích cực” thật ra chưa hiểu đúng về “kỷ luật tích cực”.

Ông Nam cho rằng, kỷ luật ở đây không phải là động từ như chúng ta hiểu. Không được hiểu nó là phải phạt (kỷ luật) đứa trẻ với những hình phạt tích cực (trái với trừng phạt thể chất đau đớn hoặc hạ nhục về tinh thần, phẩm giá) là đủ.

“Kỷ luật tích cực ở đây phải được hiểu như một tính từ. Có nghĩa là không cần dùng hình phạt nhưng cuộc sống của trẻ vẫn trở nên kỷ luật trong một bầu không khí tích cực”- ông Nam nhấn mạnh.

Giáo dục cần nhìn vào điểm mạnh của trẻ

Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ, quá trình bà làm việc với trẻ cho thấy, khi được áp dụng kỷ luật tích cực trẻ hoàn toàn đi đúng hướng và có tự tin, lòng tự trọng xã hội, giải quyết vấn đề tốt. Cách dạy này tốt hơn rất nhiều đến chú ý hình phạt.

Bà Hà cho rằng, câu chuyện ngày xưa không đặt ra nhiều về lòng tự trọng, sự tổn thương hay sự trả giá, không có nhiều áp lực và mạng lưới thông tin xã hội cũng không có nhiều câu chuyện như bây giờ. Chúng ta không có nhiều bài để đánh giá sự tổn thương của trẻ như bây giờ.

Giờ việc trừng phạt trẻ được biết nhiều hơn và mọi người biết trừng phạt sẽ gây tổn thương thế nào cho đứa trẻ.

Cũng theo bà Hà, rõ ràng giáo viên phải được đào tạo rất nhiều về tâm lý giới trẻ, về việc trừng phạt sẽ dẫn đến câu chuyện gì và hậu quả sẽ ảnh hưởng thế nào đến giới trẻ. Giáo viên mà biết được những kiến thức và kĩ năng đó thì cách thức giải quyết vấn đề cũng ổn và tốt hơn.

Và để làm được như vậy thì phải có các điều kiện gì?

Tiến sĩ tâm lý Thành Nam cho rằng, cần tạo lập mối quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái phải rất tích cực. Thời gian ở bên nhau phải trở nên thú vị và vui vẻ giống như phần thưởng với mọi thành viên.

Mục tiêu của cha mẹ là muốn con hành xử tích cực. Sự chú ý của cha mẹ vào những hành vi tích cực, nhận ra và khen ngợi sự cố gắng là cách hiệu quả nhất để tăng các hành vi tích cực.

TS Nam cho rằng, hãy nhớ rằng tăng hành vi tích cực là cách bền vững nhất để làm giảm các hành vi sai của trẻ chứ không phải hình phạt.

Vì thời gian cha mẹ tiếp xúc với trẻ trong ngày là cố định, nếu cha mẹ và trẻ đều dành thời gian chú ý đến hành vi tốt, họ sẽ cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn để lặp lại các hành vi tốt đó. Và đâu còn thời gian cho những khoảnh khắc mè nheo hay hành xử xấu xí. Giống như cách chúng ta vẫn thường hay nói lấy cái đẹp dẹp cái xấu là vậy.

“Trẻ phải hiểu là trẻ có quyền lựa chọn hành vi và mỗi hành vi sẽ có những hệ quả tương ứng. Ví dụ trẻ lựa chọn không ăn thì sẽ bị đói, trẻ lựa chọn không ngủ thì sẽ mệt mỏi, trẻ chọn việc không làm bài tập thì sẽ bị điểm kém; trẻ cố tình nghịch phá hỏng đồ chơi sẽ không còn gì để chơi vì bố mẹ không mua đồ chơi thay thế. Nếu trẻ hiểu những hệ quả tương ứng với lựa chọn hành vi của mình thì trẻ sẽ học được ý thức trách nhiệm. Cha mẹ không cần trừng phạt nhưng trẻ vẫn trở nên kỷ luật hơn”- TS Nam nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG