Giữ chân công nhân

Giữ chân công nhân
TP - Một việc có thể nói là hiếm gặp đã xuất hiện ngay sau tết nguyên đán năm nay: Đã có những doanh nghiệp tăng lương hoặc có hình thức khuyến khích vật chất cho người lao động nhằm giữ chân họ lại với mình.

> Đua nhau tuyển lao động sau Tết

Nơi thì tăng lương đến 30%, nơi hỗ trợ chi phí tuyển dụng cho người mới vào làm, chỗ còn hứa sẽ thưởng cả chỉ vàng cho những công nhân lâu năm. Những thông tin tăng lương mà một vài tờ báo đưa ra cho thấy, sự thiếu hụt lao động ở một số doanh nghiệp là có thật, chứ không phải là những đồn đại kiểu “doanh nghiệp X, cơ sở Y muốn thông qua kênh tuyển dụng để chứng tỏ thương hiệu, tên tuổi của mình, đơn giản, doanh nghiệp có phát triển thì mới cần nhiều lao động như thế… hay “đăng thông tin cần lao động chỉ là tin PR”…

Sự thiếu hụt lao động sau tết tuy vậy, không phải vấn đề gì mới và có thể nói gần như là hệ quả tất yếu của một giai đoạn sử dụng lao động theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Theo số liệu của ngành lao động TPHCM, các KCN ở đây đang thiếu từ 30-35% lao động. Tại các KCN ở Bình Dương và Đồng Nai, trung bình mỗi doanh nghiệp thiếu từ 200-400 lao động. Một cán bộ quản lý các KCN-KCX cho hay, ở TPHCM, hiện tượng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra cả năm, nhưng sau tết Nguyên đán tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Theo ông này, ước tính trong tháng 2-2012 nhu cầu tuyển dụng khoảng 40.000 chỗ làm việc để bù đắp nhân sự sau Tết Nguyên đán và nhu cầu cả năm.

Người ta đã đưa ra khá nhiều lý giải cho tình trạng thiếu hụt lao động đầu năm, đặc biệt tại các tỉnh thành đầu tàu kinh tế phía Nam. Đó là sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu lao động phổ thông, lao động sơ cấp nghề trong những ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Cũng có những ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng khan hiếm lao động đầu năm là do tiền lương chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người lao động trong điều kiện lạm phát tăng cao khiến công việc kém hấp dẫn.

Thêm vào đó là xu hướng dịch chuyển lao động tự nhiên từ phía Nam ra Bắc hay Trung. Đã có một số lao động người Bắc hoặc Trung sau tết không trở lại Nam làm việc vì đã tìm được việc ở các KCN quê nhà, tuy lương chưa hấp dẫn nhưng ít nhất cũng được gần nhà, tiết giảm được nhiều chi phí.

Nhưng có lẽ nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là kiểu sử dụng lao động ăn xổi ở thì vắt chanh bỏ vỏ của một số doanh nghiệp.

Như thế khó có thể đòi hỏi người lao động gắn bó, thủy chung, buồn vui cùng doanh nghiệp được. Tối đa hóa lợi nhuận là việc đương nhiên mọi doanh nghiệp phải nghĩ tới. Nhưng trong thời toàn cầu hóa, đòi hỏi của thị trường ngày một khắt khe, buộc doanh nghiệp phải chuyên nghiệp trong mọi khâu thì những cơ sở “ăn xổi” trong sử dụng lao động chắc chắn sẽ gặp vấn đề, không nói là không nâng cao được tính cạnh tranh mà tồn tại cũng đã là khó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG