Gặp một người tìm mộ

Gặp một người tìm mộ
TP - Rất nhiều người tự nhận là có khả năng tìm mộ, để rồi bà con ta cả tin đặt hy vọng và kết quả là mất thời gian và không được như mong đợi. Hai bài viết ở kỳ trước đã đề cập vấn đề đó, những chuyện xảy ra ở Nghệ An. Tuy vậy, vẫn có người bằng năng lực riêng, họ đã giúp tìm mộ thành công, góp phần củng cố đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Thực hư chuyện tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm - Bài 3:

Gặp một người tìm mộ

Ngoại cảm - Chuyện thật hay bịa?
> “Bùng nổ” Trung tâm tìm mộ liệt sỹ

Người đặc biệt

Nhà giáo Quan Lệ Lan, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người (NCTNCN) giới thiệu các PV Tiền Phong gặp một trong số những nhà tìm mộ đang được đề nghị Chính phủ tặng bằng khen, do “có nhiều đóng góp cho hoạt động của Trung tâm NCTNCN trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và nghiên cứu ứng dụng”.

Tìm kiếm hài cốt liệt sỹ dựa trên khả năng đặc biệt của con người không phải mới phát sinh gần đây. Nó đã được Trung tâm NCTNCN thực hiện liên tục 20 năm qua, với công sức của nhiều nhà khoa học, cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ, và bên cạnh đó là đóng góp rất đáng kể của những người có khả năng đặc biệt. Với hơn 150.000 mộ liệt sỹ đã được tìm thấy, quy tập (theo tài liệu của Trung tâm là chính xác từ 80% đến 90%), đầu năm nay, 38 cán bộ khoa học, nhà văn hóa, nhà ngoại cảm đã được Bộ LĐTB&XH tặng bằng khen, trong đó có nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm.

Nhà chị Thiêm ở thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn - Hòa Bình. Chị thường xuyên vắng nhà, cùng các gia đình liệt sỹ ra Bắc vào Nam, sang cả nước bạn Lào, để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Chị chỉ ở nhà những ngày cuối tuần. Khi các PV tới nhà chị, khoảng 30 - 40 gia đình đang có mặt tại đây. Việc trông giữ xe, xếp chỗ ngồi, đặt lễ trên các ban thờ... diễn ra trật tự và tự nguyện. Đúng 10h30’, chị xuất hiện. Chị yêu cầu mọi người trật tự, tắt hết điện thoại, hướng dẫn quy trình thực hiện. Chị Thiêm hướng dẫn các gia đình tiếp nhận thông tin về người đã khuất. Cuối buổi, chị tập trung vào những trường hợp đặc biệt đáng lưu ý và có thể tiến hành các thủ tục tiếp theo.

Những câu chuyện nặng ân tình

Chuyện tìm mộ liệt sỹ của chị Thiêm được thể hiện sinh động qua rất nhiều thư cảm ơn của các gia đình liệt sỹ. Một trong số đó là thư của ông Trần Kim Ngọc, cán bộ công an tỉnh Lào Cai. Ông Ngọc là con trai liệt sỹ CAND Trần Kim Chiến - nguyên Phó trưởng ty Công an Hoàng Liên Sơn (cũ), đi B năm 1965, hy sinh tại tỉnh Thuận Hải (cũ) năm 1967.

Năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của chị Hoàng Thị Thiêm, gia đình ông Ngọc đã tìm được hài cốt liệt sỹ Chiến tại thôn Châu Hanh, xã Phan Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Ngày 29-7-2008, Công an tỉnh Lào Cai, UBND TP Lào Cai và gia đình liệt sỹ đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận hài cốt và an táng liệt sỹ Chiến.

Một lá thư khác, của ông Phạm Văn Điển (số nhà 53 đường Cao Bá Quát, P. Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), em trai của liệt sỹ Phạm Hồng Dương. Liệt sỹ Dương sinh năm 1949, nhập ngũ 1967, hy sinh 1968. Nhờ sự giúp đỡ của chị Thiêm, gia đình ông Điển đã tìm được hài cốt liệt sỹ Dương tại Làng Vây, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Lễ truy điệu và an táng liệt sỹ Dương đã được chính quyền quê hương và gia đình liệt sỹ tổ chức long trọng tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường, Nam Định) tháng 4-2010.

Một chuyện cảm động khác, thể hiện qua lá thư của ông Hà Hiển Nhiên (tiểu khu 4 thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Ông Nhiên là em trai liệt sỹ Hà Văn Nhượn, sinh năm 1944, nhập ngũ 1962, hy sinh tại mặt trận phía Tây 1965. Cuối năm 2010, gia đình ông Nhiên đã tổ chức sang nước bạn Lào để tìm hài cốt liệt sỹ Nhượn, cùng đi có chị Thiêm và nhà giáo Quan Lệ Lan. Qua chuyến đi đó, gia đình ông Nhiên đã tìm thấy hài cốt của liệt sỹ Nhượn tại Bản Vằn, huyện Xêpôn, tỉnh Xavanakhet, đưa về an táng tại quê nhà Mai Châu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG