Ngày 4/3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐTB-XH và 6 tỉnh gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương.
Theo TTCP, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm.
Điển hình, TTCP cho rằng Bộ LĐTB-XH chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dẫn đến người lao động (thực chất là lao động nghèo khó) phải chi trả số tiền lớn mà chính sách của nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động không phải chi trả như: Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản.
“Cục Quản lý lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến, trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/1 lao động). Quy định mức phí, phí đào tạo tại thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký với Nhật Bản, không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến người lao động, là nguyên nhân khiến lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài” – TTCP nêu.
Mặt khác, TTCP cũng chỉ rõ, nhiều đơn vị chuyên môn của Bộ LĐTB-XH đã thiếu trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn, như: Thanh tra bộ không xử phạt hết hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp với số tiền gần 9 tỷ đồng.
Vẫn theo TTCP, Cục Quản lý lao động ngoài nước phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015. Tham mưu và ban hành văn bản đồng ý cho 13 doanh nghiệp được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản khi chưa ký bản ghi nhớ hợp tác để triển khai chương trình; ký văn bản đồng ý khi chưa ban hành tiêu chí, điều kiện cụ thể để lựa chọn doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp yếu, thiếu kinh nghiệm, có doanh nghiệp thuộc diện phải thu hồi giấy phép, gây bất bình trong hệ thống các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ LĐTB-XH…
Theo đó, TTCP kiến nghị Bộ LĐTB-XH tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan đến vi phạm. Trong đó, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước giai đoạn 2012-2016 trong việc tham mưu ban hành và ban hành các văn bản không đúng quy định; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015.
Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với Cục trưởng Cục QLLĐNN từng thời kỳ từ năm 2000 đến thời điểm thanh tra trong việc không tham mưu bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan, Nhật Bản; không xây dựng chiến lược dài hạn, chậm kiến nghị sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đồng thời xử lý trách nhiệm Chánh thanh tra bộ thời kỳ 2015-2018 do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của doanh nghiệp…