Y văn thế giới có 'Phẫu thuật Bạch Mai'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một phương pháp phẫu thuật của Việt Nam mang tên Bệnh viện Bạch Mai đã được ghi danh trong y văn thế giới. “Phẫu thuật BẠCH MAI” là một quy trình thực hiện phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt đại tràng phải kèm cắt toàn bộ mạc treo, thắt các mạch máu trung tâm, nạo vét hạch D3 theo tiêu chuẩn phẫu thuật triệt căn ung thư đại tràng.

Công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai đã được công bố trên tạp chí World journal of surgical oncology số 140 - một tạp chí uy tín hàng đầu chuyên về phẫu thuật ung thư.

Y văn thế giới có 'Phẫu thuật Bạch Mai' ảnh 1

Kíp phẫu thuật thực hiện “Phương pháp BẠCH MAI”

Phẫu thuật cắt đại tràng phải là một phẫu thuật cơ bản của chuyên ngành phẫu thuật tiêu hóa. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt đại tràng phải kèm cắt toàn bộ mạc treo, thắt các mạch máu trung tâm, nạo vét hạch D3 theo tiêu chuẩn phẫu thuật triệt căn ung thư đại tràng phải là một kĩ thuật rất khó và phức tạp. Kĩ thuật này còn đòi hỏi phẫu thuật viên phải có sự tinh tế, bản lĩnh “dao kéo” vững vàng và quyết đoán trong thao tác, nếu không sẽ dễ dẫn đến tai biến và khó đạt được các tiêu chuẩn triệt căn ung thư như mong muốn. Do vậy, không nhiều phẫu thuật viên (cả trong và ngoài nước) có thể thành thạo.

Nhiều tác giả trên thế giới đã đưa ra các quy trình khác nhau để thực hiện phẫu thuật này nhưng mỗi quy trình đều có những hạn chế nhất định mà chưa có sự thống nhất. Sau thời gian nghiên cứu, nhóm tác giả khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai) đã đề xuất quy trình mang tên Bạch Mai, một phương pháp tiếp cận kết hợp đa hướng: từ trên xuống, từ trong ra và từ dưới lên kèm cắt đoạn cuối hồi tràng sớm. Phương pháp “Phẫu thuật BẠCH MAI” giúp khắc phục hầu hết các hạn chế kĩ thuật trước đây và giúp phẫu thuật đạt được tính triệt để tốt nhất về mặt ung thư.

Trong năm 2022, tại khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy đã có 32 trường hợp u nguyên phát đại tràng được phẫu thuật theo phương pháp “Phẫu thuật Bạch Mai” với số hạch nạo vét được trung bình là 38, số lớn nhất là 67. Hạch nạo vét được càng nhiều sẽ chẩn đoán được giai đoạn ung thư chính xác hơn và phẫu thuật đạt tính triệt căn cao hơn do đó tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên, nạo vét hạch nhiều sẽ kèm theo nguy cơ rủi ro cao hơn, đòi hỏi sự khác biệt trong kĩ thuật thực hiện. Kết quả các trường hợp phẫu thuật đều thành công, không có biến chứng trong và sau mổ.

Kĩ thuật triệt tiêu “sát thủ”

Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai toàn cầu ở cả hai giới nên nó được ví như “sát thủ”. Để giải quyết triệt căn ung thư đại trực tràng, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, các nhà khoa học trên toàn thế giới không ngừng nghiên cứu, tìm các phương pháp tối ưu nhất, các hướng tiếp cận cho kĩ thuật nội soi cắt đại tràng phải nhằm đạt được các tiêu chí về ung thư học cũng như giảm thiểu tỉ lệ biến chứng trong và sau mổ. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau.

Chia sẻ về kĩ thuật mới, nhóm nghiên cứu cho biết: “Cách kết hợp đa hướng tiếp cận giúp chúng tôi tận dụng được lợi thế của từng hướng tiếp cận giúp xác định và kiểm soát các mốc giải phẫu quan trọng ngay từ đầu như: tĩnh mạch đại tràng phải (trong phương pháp thuần túy dưới lên, rất khó kiểm soát tận gốc tĩnh mạch này, từ đó dễ gây tổn thương rách thân chung tĩnh mạch gây chảy máu không cầm được qua nội soi, rất nguy hiểm. Việc cắt hồi tràng sớm giúp tiếp cận các khoang giữa mạc treo đại tràng phải, mạc Toldt với cân Gerota và khoang vô mạch Fredet từ dưới lên trở nên thuận tiện không phải “đào hầm” như các kĩ thuật khác), ít khi sai lớp, nhanh chóng gặp lớp bóc tách đã thực hiện từ trên xuống để giải phóng toàn bộ mạc treo mà không chạm khối u”.

Ngoài ra kĩ thuật này giúp việc bóc tách các hạch dễ dàng, nhanh chóng an toàn hơn so với các phương pháp khác. Đặc biệt, có thể nạo vét được cả mặt sau của trục mạc treo tràng trên, điều mà các phương pháp khác khó có thể thực hiện được. Với kĩ thuật này, chức năng tiêu hóa phục hồi nhanh hơn, tỉ lệ liệt ruột thấp hơn, giảm đau sau mổ ít hơn, ít biến chứng, tỉ lệ thoát vị qua vết mổ thấp hơn, vết mổ ngắn hơn và có thể lựa chọn vị trí vết mổ phù hợp thẩm mĩ nhất”.

“Phẫu thuật BẠCH MAI” ra đời với hi vọng thêm một vũ khí sắc bén cho các phẫu thuật viên trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư đại trực tràng. Đây là phương pháp tiếp cận kết hợp đa hướng cùng với việc cắt sớm đoạn cuối hồi tràng đã được các nhà khoa học của khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy chứng minh tính khả thi và an toàn cao về mặt kĩ thuật.

MỚI - NÓNG