Y và Văn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chuyện một số trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y đang khiến dư luận ngả theo nhiều chiều. Một số cho rằng đó là “thảm họa”, số khác xem đây là quan điểm “bình thường mới” cần thiết, giữa thời đại mọi thứ đang bị robot hóa, ngay cả trong ngành Y.

Một thực tế, đó là bác sĩ thành nhà văn nhà thơ khá phổ biến, thậm chí trở thành văn hào của nước Nga như Anton P. Chekhov, với câu nói nổi tiếng “Y học là vợ trên pháp lý của tôi, còn văn học là bà xã của tôi”. Nhưng hiếm nhà văn trở thành bác sĩ. Đó là quy trình thuận, theo dòng thời gian học vấn đời người. Đồng thời cũng phản ánh một điều, rằng các nhà văn thường…dốt các môn tự nhiên. Nên cho dù có thi vào ngành Y bằng môn Văn, thì đa phần các thí sinh cũng không thể chỉ cầu may bằng điểm số của riêng môn này.

Quan hệ tương hỗ mật thiết giữa hai lĩnh vực văn học và y học đã có từ lâu đời. Tạp chí Văn học và Y học của Đại học John Hopkins (Mỹ) năm ngoái vừa kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số đầu tiên. Mỗi năm tạp chí ra hai số, trong đó có một số chuyên đề, không chỉ khoa học bệnh lý, còn bàn sâu đến văn hóa y khoa, về khuyết tật, bạo lực và các loại chấn thương phi vật thể,..., khám phá mối liên hệ giữa văn học (theo nghĩa rộng) và chăm sóc sức khỏe y tế.

Sự kết hợp vốn được xem là khá “bất thường” giữa hai lĩnh vực này, tiền đề mà các nhà sáng lập đề ra, đó là để “khám phá các phương pháp sáng tạo nhằm tái hòa nhập khoa học nhân văn và giáo dục y tế”. Đồng thời khôi phục các mối quan hệ nhân văn quan trọng giữa người chăm sóc và bệnh nhân vốn đã bị xói mòn khi những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đã vượt bậc. Tiến sĩ Catherine F Belling – nguyên Tổng biên tập tạp chí này xác nhận “Kể từ năm 2020, chắc chắn không ai có thể tranh cãi rằng có thể hiểu sức khỏe mà không cần nghĩ đến lịch sử và công lý, hay hiểu bệnh tật mà không nghĩ đến kinh tế và hùng biện”.

Trở lại việc thi Văn để vào ngành Y, có lẽ cần xác định rõ mấy điều. Thứ nhất không thể áp dụng đại trà hình thức này, bởi yếu tố tiên quyết nhất với ngành khoa học cao cấp về bệnh lý và mạng sống con người này, không gì khác vẫn phải là những môn tự nhiên. Quá trình “cày ải” khốc liệt của một sinh viên ngành Y từ lúc thi tuyển, đến quá trình học tập, thực hành, thực tập, đến giai đoạn học lên rất nhiều cấp bậc nữa sau khi ra trường, không dành cho những người “tâm hồn treo ngược cành cây”. Thứ hai, việc tăng cường chất văn, sự thấu hiểu con người thông qua văn chương đối với một sinh viên Y khoa, hoàn toàn có thể thực hiện trong quá trình học tập, chứ không nhất thiết cứ phải chọn ngay từ đầu vào. Rất nhiều trường đào tạo Y khoa nổi tiếng trên thế giới sinh viên đều phải trải qua nhiều hội thảo, tập huấn, trải nghiệm về nghệ thuật và nhân văn. Những hoạt động này vừa mang tính thư giãn, nhưng cũng đào luyện một cách hiệu quả về ngôn ngữ, kỹ năng diễn đạt, nắm bắt tâm lý,...

Và một điều nữa, đó là Văn phải ra Văn, từ cách dạy, cách học, cách tạo cảm hứng trong nhà trường phổ thông, chứ không thể cứ mãi chạy theo văn mẫu. Những cô, cậu sinh viên “văn mẫu” điểm cao vào được ngành Y, cũng không giải quyết điều gì.

Văn ra Văn, Y ra Y, cần phải như vậy.

MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.