Xung quanh việc treo biển ở Phủ Dầy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tranh cãi quanh việc treo biển tên ở di tích thuộc quần thể Phủ Dầy (Nam Định) kéo dài vài năm qua, thế nhưng địa phương chưa chịu giải quyết rốt ráo câu chuyện này.

Vẫn chuyện biển tên

Báo Tiền Phong số ra ngày 17/12/2021 phản ánh ý kiến của lãnh đạo UBND huyện Vụ Bản về nguyện vọng của bà Trần Thị Huệ, thủ nhang di tích Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định) đề nghị được treo lại biển “Phủ chính Tiên Hương”. Lãnh đạo huyện cho rằng văn bản số 812/DSVH-DT ngày 11/10/2021 của Cục Di sản đi ngược lại tinh thần văn bản số 488 ngày 28/1/2021 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ký (trong văn bản này vẫn nêu tên Phủ Tiên Hương).

Để làm rõ hơn liệu có chuyện vênh nhau giữa hai văn bản nêu trên, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Cục Di sản văn hóa. Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) giải thích, không có chuyện văn bản của Cục đi ngược lại văn bản của Bộ. Văn bản số 488 do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ký vào thời điểm 28/1/2021 về quyết định xếp hạng Di tích quốc gia cho Phủ Dầy, không phải văn bản giải quyết yêu cầu tên gọi của di tích trong quần thể Phủ Dầy. Di tích vốn được xếp hạng quốc gia trước đó, tuy nhiên do hồ sơ còn sơ sài nên đòi hỏi bổ sung và hoàn thiện.

Xung quanh việc treo biển ở Phủ Dầy ảnh 1

Tỉnh Nam Định có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền huyện Vụ Bản giải quyết việc treo biển tên ở di tích Phủ Dầy

Bằng xếp hạng di tích Phủ Dầy năm 1975 ghi quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy gồm “Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và một số di tích khác”. Tuy nhiên trong quá trình hoàn thiện và bổ sung hồ sơ, các nhà khoa học và chính quyền địa phương sau khi kiểm kê đã thống nhất bỏ “một số di tích khác” do không đủ căn cứ khoa học đưa vào cụm di tích Phủ Dầy, bên cạnh đó sửa tên “lăng Liễu Hạnh” thành “Lăng Mẫu Liễu Hạnh”. Quyết định số 488 còn sửa tên gọi di tích tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam và Nam Định) tại Phụ lục của quyết định số 09 ngày 21/2/1975 về việc xếp hạng di tích lịch sử và văn hóa đợt 4 thành Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.

Văn bản số 812 do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa ký, thống nhất với đề nghị của bà Trần Thị Huệ về việc treo biển tên di tích là “Phủ chính Tiên Hương”; đồng thời đề nghị Sở VHTTDL Nam Định chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, giám sát việc treo lại biển tên tại vị trí phù hợp, tại biển chỉ dẫn đường đến di tích đảm bảo trang trọng và đúng quy định. Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa giải thích, văn bản của Cục căn cứ trên Thông tư số 09 của Bộ VHTTDL về tên gọi của di tích. Lãnh đạo Cục nói thêm, một di tích có nhiều tên gọi là chuyện hết sức bình thường, một số di tích cũng đề xuất được đổi biển tên treo tại di tích và được chấp thuận và “việc này không ảnh hưởng tới hồ sơ khoa học của di tích”.

Cục Di sản văn hóa lưu giữ toàn bộ hồ sơ khoa học của di tích Phủ Dầy, trong đó có các tài liệu khẳng định có tên gọi “Phủ Chính”, hoặc “Phủ chính Tiên Hương”. Lãnh đạo Cục nói thêm, việc treo biển tên cần tôn trọng cả tên gọi di tích trước khi được xếp hạng, tên gọi lâu đời và tạo được sự đồng thuận giữa nguyện vọng của nhà đền, cộng đồng địa phương.

Trách nhiệm địa phương

Bà Trần Thị Huệ, thủ nhang phủ Tiên Hương cho biết, bà nhiều lần làm đơn gửi UBND huyện Vụ Bản, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đề nghị xin được treo lại biển tên “Phủ chính Tiên Hương” nhưng đều không được giải quyết dứt điểm. Nhắc lại câu chuyện năm 2019 phải dỡ bỏ biển “Phủ chính Tiên Hương”, bà Huệ nói rằng do được vận động tuân theo quy trình xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về di sản. Quyết định 488 và văn bản số 812 là cơ sở khoa học để thủ nhang di tích được treo lại biển tên “Phủ chính Tiên Hương”. Hồ sơ khoa học lưu trữ tại Bộ VHTTDL đều có tài liệu nhắc tới tên “Phủ Chính” hoặc “Phủ chính Tiên Hương” trong lịch sử.

Lãnh đạo Cục Di sản nhấn mạnh, trong văn bản số 812, Cục có lưu ý địa phương, trong trường hợp cần thiết khi treo biển tên di tích cần có chú thích tên gọi. Đối với các di tích có nhiều tên gọi khác nhau, người ta có quyền lựa chọn biển tên (theo hướng dẫn của Thông tư 09).

Xung quanh việc treo biển ở Phủ Dầy ảnh 2

Tỉnh Nam Định có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền huyện Vụ Bản giải quyết việc treo biển tên ở di tích Phủ Dầy

Để làm rõ hơn về trách nhiệm của địa phương đối với công tác quản lý di tích Phủ Dầy, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã ký văn bản cuối tháng 12/2021 gửi UBND tỉnh Nam Định. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhắc lại công văn số 1287 của Sở VHTTDL Nam Định đề nghị Cục Di sản văn hóa hướng dẫn việc treo biển tên tại di tích Phủ Dầy thống nhất với Quyết định của Bộ trưởng VHTTDL. Ông Hoàng Đạo Cương nêu rõ: về tên gọi di tích, căn cứ Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 09 quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, “Tên gọi di tích gồm: Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích; các tên gọi khác của di tích (nếu có) và nguồn gốc tên gọi đó”.

Lãnh đạo Bộ phân tích, theo hồ sơ di tích và các tài liệu lưu trữ hiện có, nguồn gốc các tên gọi khác của “Phủ Tiên Hương” là “Phủ Chính”, “Phủ chính Tiên Hương” đã được ghi chép làm rõ tại các sắc phong, bia đá, hiện vật tại di tích, có niên đại trải từ thời Lê đến thời Nguyễn; sách Hội Phủ Giầy-Sự tích đức Liễu Hạnh công chúa của tác giả Phạm Quang Phúc-Tri huyện Vụ Bản in năm 1942; Biên bản quy định khu vực Phủ Chính lập các năm 1962, 1964; Bản lược kê Lý lịch năm 1964; Lý lịch di tích lập năm 2020 kèm theo Tờ trình số 596 của UBND tỉnh Nam Định về việc bổ sung hồ sơ khoa học và sửa đổi tên Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.

“Vì vậy, với các cơ sở khoa học nêu trên, căn cứ Thông tư số 09, Bộ VHTTDL đã thống nhất theo nội dung hồ sơ khoa học của di tích, trong đó “Phủ Tiên Hương” còn có tên gọi khác là “Phủ Chính”, “Phủ Chính Tiên Hương”. Lãnh đạo Bộ đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở VHTTDL Nam Định phối hợp với UBND huyện Vụ Bản và tình hình thực tiễn quản lý di tích tại địa phương, làm việc với bà Trần Thị Huệ để hướng dẫn, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện việc treo biển tên di tích phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa”, văn bản của Bộ nêu.

Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về di sản (Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa) đã hướng dẫn cụ thể cho chính quyền địa phương. Câu chuyện treo biển tên tại di tích Phủ Dầy thuộc về trách nhiệm quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương.

MỚI - NÓNG