Xung đột nước - ai sống?

TP - Chưa đến mức “chiến tranh nước” song xung đột nước ở Lưu vực Mekong đã nhãn tiền bởi hàng đống hệ lụy Thủy điện.

Và khi ông trời báo hiệu một mùa khô khắc nghiệt tiếp theo, lại lo sốt vó bởi một siêu dự án bơm nước Mekong cho 17 tỉnh Thái Lan chuẩn bị được chốt vào tháng 12/2016.

Theo giấc mơ “Quản lý & Chỉnh dòng Mekong-Loei-Chi-Mun bằng Trọng lực ở Đông Bắc”, dòng chính Mekong sẽ được đẩy vào dòng nhánh là Sông Loei rồi đổ tiếp vào hai sông tự nhiên khác là Chi và Mun.

Nước hút từ Mekong dự kiến 4.000 tỷ m3/năm hay 1.200 m3/giây. Nếu cộng với dự án thuỷ lợi của cả Lào khoảng 240 m3/giây và Campuchia 500 m3/giây cũng sắp thành hình, lưu lượng nước bị ngắt khỏi dòng chính là gần 2.000 m3/giây. Theo TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ, khi chưa có các tham vọng thủy lợi kia, tổng lượng nước Mekong đổ về Việt Nam lúc cao điểm mùa cạn cũng chỉ 2.500 m3/giây.

Nhóm nghiên cứu thuộc Mekong Commons cho rằng dự án “vắt nước ra nước” này không thể là “trung bình” như tuyên bố của Sở Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan (RID). Vì vậy, nó phải được tham vấn Campuchia và Việt Nam. Nhưng khả năng này rất khó.

Thứ nhất, lợi ích kinh tế khiến Thái Lan không dễ bỏ cuộc chơi. Theo RID, khi siêu dự án 76,8 tỷ USD hoạt động sau 15 năm xây dựng, một vùng rộng lớn 50.000km2 nghèo triền miên sẽ hồi sinh. Thu nhập mỗi trong số 1,72 triệu hộ nông dân các vùng hưởng lợi sẽ tăng từ 68.000 baht/năm (tương đương 43,8 triệu đồng) hiện nay lên 199.000 baht/năm (128 triệu đồng).

Thứ hai, có một lỗ hổng pháp lý ràng buộc bốn nước Tiểu vùng Mekong suốt 21 năm qua mà không điều chỉnh. Năm 1995, Việt Nam, Lào, Campuchia, và Thái Lan ký Hiệp định Mekong để thành lập Ủy hội Sông Mekong (MRC) liên chính phủ. Bốn bên đồng ý rằng khai thác trên các chi lưu của Mekong chỉ cần “thông báo” cho nhau là đủ thay vì phải “tham vấn trước”.

Thứ ba, trong lịch sử 21 năm của mình, MRC hầu như chưa hiện thực hóa được thỏa thuận khu vực nào về khai thác hợp lý Mekong theo đúng nghĩa. Bất chấp các bên liên tiếp quan ngại, thuỷ điện Xayaburi công suất 1.285 mW trị giá 3,5 tỷ USD trên dòng chính Mekong vẫn được khởi công từ tháng 11/2012. Cuối năm 2015, một thủy điện nữa Don Sahong công suất 260 mW vừa làm lễ khởi công hôm 16/8/2016 cũng trên dòng chính Mekong.

Mọi toan tính riêng sẽ  dẫn đến thảm họa chung khi sự phụ thuộc lẫn nhau về địa – kinh tế - chính trị ngày càng chặt chẽ. Đừng để một lưu vực từng đủ sức sản xuất một lượng gạo nuôi sống 300 triệu người rơi vào cảnh cạn nước và phù sa đến nỗi không nuôi nổi chính mình.

MỚI - NÓNG