Đối mặt thách thức

TP - Áp lực, lo ngại về nợ công và bội chi gia tăng nếu GDP không đạt mục tiêu cũng từng được đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ giữa tháng 7.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, năm nay Chính phủ quyết tâm chi không vượt dự toán. Như vậy về tuyệt đối bội chi vẫn giữ ở mức 254.000 tỷ đồng và sẽ không vay thêm để bù đắp bội chi. Tuy nhiên, do bội chi và nợ công tính trên GDP, nên nếu GDP không đạt mục tiêu, thì khó có thể giữ được mức bội chi 4,95% cũng như khó có thể giữ được tỷ lệ nợ công như yêu cầu của Quốc hội.

Lo ngại này của người đứng đầu ngành tài chính đã thành sự thật khi tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,3% trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sau 9 tháng mới đạt 5,92%. Nhiều phương án, giải pháp ngắn hạn đã được Chính phủ đưa ra, trong đó có việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao khai thác thêm 1 triệu tấn dầu năm 2016 để có nguồn thu thêm cho ngân sách khoản khoảng 350 triệu USD.

Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cũng là vấn đề Chính phủ cần đặc biệt lưu tâm trong báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 9 vừa qua. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, khi đề cập đến để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, cũng cho rằng cần phải chuyển đổi ngành nông nghiệp để vượt qua thách thức.

 Theo ông Ousmane Dione, ngành nông nghiệp và hệ thống lương thực nói chung của Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt. Cụ thể, ngành nông nghiệp tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo một cái giá phải trả về mặt môi trường. “Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa. Tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương hơn trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo vấn đề môi trường nghiêm trọng”, đại diện WB khuyến cáo.

Cũng không hẳn vô tình khi cuối tháng 9, Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2016 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đưa ra những nhận định về việc kinh tế Việt Nam đang bị cản trở bởi một số thách thức.

 Theo đó, tăng trưởng GDP năm nay dự báo sẽ giảm xuống còn 6% thay vì 6,7% như dự báo hồi đầu năm. Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, cùng với sự giảm sút của ngành khai khoáng trong nửa đầu năm cũng góp phần kéo giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến xuống còn 6,0% trong năm 2016 và 6,3% năm 2017.

Suy giảm tăng trưởng là vấn đề mà hầu như quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, với một nền kinh tế còn yếu như Việt Nam, việc giảm tăng trưởng GDP có ảnh hưởng rất lớn. Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, nếu tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn kế hoạch, giả sử chỉ đạt 6,5%, ước tính tỷ lệ bội chi/GDP sẽ vượt dự toán khoảng 0,5% GDP. Con số hàng chục nghìn tỷ đồng bội chi này là rất lớn trong bối cảnh nhiều nguồn thu đã đến ngưỡng.

Việc đã đến lúc cấp kỳ. Một nền kinh tế có giá trị thặng dư cao không thể dựa mãi vào những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có khối lượng lớn nhưng giá trị gia tăng không cao. Đối mặt thực tế và có giải pháp để thay đổi nền sản xuất, tạo những tăng trưởng từ ngành công nghiệp, dịch vụ sẽ là bệ đỡ giúp nền kinh tế cân bằng tăng trưởng trong trường hợp ngành nông nghiệp suy giảm vì thiên tai hay vì các yếu tố khác.

MỚI - NÓNG