Xung đột Nga - Ukraine ngày 30/8: Tổng tư lệnh quân đội Ukraine thị sát 'chảo lửa' Pokrovsk

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi đã đến thăm mặt trận Pokrovsk ở Donetsk, nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh quyết liệt với quân đội Nga.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 30/8: Tổng tư lệnh quân đội Ukraine thị sát 'chảo lửa' Pokrovsk ảnh 1

Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi. (Ảnh: Pravda)

Trong bài đăng trên mạng xã hội, ông Syrskyi viết: "Tôi đã làm việc nhiều ngày liên tục với các lữ đoàn bảo vệ mặt trận Pokrovsk, nơi tình hình đang rất phức tạp".

"Các hoạt động diễn ra liên tục 24/7. Chúng tôi phải tìm ra các giải pháp phi truyền thống để tăng cường phòng thủ và loại bỏ đối phương", ông Syrskyi cho biết thêm.

Các cuộc giao tranh dữ dội nhất đang diễn ra ở vùng ngoại ô phía đông của khu định cư Hrodivka, dọc theo ranh giới của Kamianyi và Krasnyi Yar.

Nhiệm vụ chính là "tăng cường phòng thủ cho quân đội của chúng ta ở những khu vực phức tạp nhất tiền tuyến, cung cấp cho các lữ đoàn đủ số lượng đạn dược, các phương tiện vật chất và kỹ thuật khác", ông Syrskyi nhấn mạnh.

Hàng trăm mục tiêu quân sự của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Nga đã "sơ tán" máy bay quân sự từ 16 căn cứ không quân nằm trong tầm hoạt động của tên lửa mà phương Tây cung cấp cho Kiev.

Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm mục tiêu quân sự khác của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS (300 km). Bản đồ vị trí của các mục tiêu này đã được ISW công bố.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 30/8: Tổng tư lệnh quân đội Ukraine thị sát 'chảo lửa' Pokrovsk ảnh 2

(Ảnh: ISW)

Theo nhà phân tích của ISW, việc phương Tây hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ nhằm vào lãnh thổ Nga đã tạo điều kiện để lực lượng Nga sử dụng căn cứ sâu ở trong lãnh thổ cho các cuộc tấn công nhằm vào Ukraine.

Ngày 24/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan xác nhận việc Washington đã chuyển hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukraine như một phần của gói vũ khí được Tổng thống Joe Biden công bố hồi giữa tháng 3.

Vụ rơi máy bay F-16 ở Ukraine: Điều tra giả thiết 'bị phòng không Ukraine bắn nhầm'

Quân đội Ukraine đang xem xét nhiều giả thiết khác nhau về vụ tai nạn của máy bay chiến đấu F-16, bao gồm lỗi của phi công hoặc bị phòng không Ukraine bắn nhầm.

Trước đó, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine xác nhận, một máy bay chiến đấu F-16 đã bị mất liên lạc khi đang tiếp cận mục tiêu trong một cuộc không chiến. "Sau đó, máy bay bị rơi và phi công thiệt mạng", cơ quan này cho biết.

Một ủy ban của Bộ Quốc phòng Ukraine đã được chỉ định để điều tra vụ việc.

Nguồn tin giấu tên từ Không quân Ukraine tiết lộ, nhiều giả thiết khác nhau về nguyên nhân vụ tai nạn đang được xem xét, bao gồm trục trặc kỹ thuật, lỗi của phi công, hoặc do lực lượng phòng không Ukraine bắn nhầm. "Lý do chính xác sẽ được công bố sau khi hoàn tất cuộc điều tra", nguồn tin nói.

Ngày 29/8, báo phương Tây đưa tin một máy bay chiến đấu F-16 đã gặp tai nạn ở Ukraine hôm thứ Hai (26/8). Bộ Tư lệnh Không quân phía Tây của Ukraine xác nhận, phi công Oleksii Mes đã thiệt mạng khi đang đẩy lùi cuộc không kích quy mô lớn của Nga hôm 26/8.

Mes, bí danh "Moonfish", là một trong số ít phi công Ukraine được đào tạo ở phương Tây để lái máy bay F-16. Trước khi gặp nạn, Mes đã bắn hạ được ba tên lửa hành trình và một máy bay không người lái tấn công.

Khi được hỏi liệu có "khả năng chiếc F-16 này bị bắn hạ do hỏa lực từ một trong những hệ thống Patriot của Ukraine không", Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh trả lời: "Đó là câu hỏi mà người Ukraine cần trả lời. Mỹ chưa được yêu cầu tham gia bất kỳ cuộc điều tra nào về việc này".

Ukraine đã nhận 10 máy bay chiến đấu F-16 trong tổng số 79 chiếc mà phương Tây cam kết cung cấp cho Kiev. Dự kiến vào cuối năm nay, Ukraine sẽ nhận thêm 10 chiếc nữa, nâng tổng số máy bay F-16 mà nước này sở hữu lên đến 20 chiếc.

Nga triển khai hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên cầu Crimea

Nga đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên cầu Crimea để tăng cường khả năng phòng thủ tại khu vực này.

Kênh Telegram Crimean Wind đưa tin, do lo ngại các cuộc tấn công có thể xảy ra ở cầu Crimea, quân đội Nga đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 tại địa điểm này.

Các bức ảnh ghi nhận thực tế cho thấy hệ thống Pantsir-S1 đã được triển khai trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 30/8: Tổng tư lệnh quân đội Ukraine thị sát 'chảo lửa' Pokrovsk ảnh 3

Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào cầu Crimea bằng máy bay không người lái, xuồng tự sát và tên lửa hành trình nhằm làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa và thiết bị quân sự của Nga trong khu vực.

Nga đã tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách triển khai hàng loạt các hệ thống phòng không tối tân như S-300 và Pantsir-S1 tại địa điểm này.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong đêm 28, rạng sáng ngày 29/8, Hạm đội Biển Đen và lực lượng phòng không Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine vào thành phố Sevastopol ở Crimea. Theo báo cáo, cầu Crimea đã tạm dừng lưu thông trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Ít nhất 4 chiếc máy bay không người lái cùng 3 xuồng tự sát đã bị phá hủy trong cuộc tấn công.

Theo Pravda, Tass
MỚI - NÓNG