Xung đột Nga - Ukraine ngày 17/6: Ukraine thừa nhận cần đàm phán với Nga để giải quyết xung đột

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ rằng sự hiện diện của Nga là cần thiết để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 17/6: Ukraine thừa nhận cần đàm phán với Nga để giải quyết xung đột ảnh 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: Reuters

Theo ông Kuleba, rõ ràng là "cần cả hai bên" để giải quyết xung đột. "Tất nhiên, chúng tôi hiểu rất rõ rằng sẽ đến lúc cần phải đàm phán với Nga”, ông Kuleba nói.

Ông cũng thừa nhận có những quan điểm khác nhau của các nước phương Tây và Nam bán cầu về cách chấm dứt xung đột. Ngoại trưởng nói thêm: “Hôm qua đã có tiếng nói từ Nam bán cầu về những thỏa hiệp khó khăn cần phải thực hiện. Đây không phải là giọng điệu mà chúng tôi nghe được từ các đối tác phương Tây”.

Vào ngày 15 và 16/6, Thụy Sĩ đã tổ chức một hội nghị về Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, nhưng không mời Nga.

Chính quyền Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Ukraine không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của Mátxcơva, do đó hội nghị ở Thụy Sĩ không có nhiều hứa hẹn.

Mặt trận Pokrovsk nóng bỏng

Quân đội Nga đã tăng cường đáng kể các hoạt động chiến đấu trên mặt trận Pokrovsk vào ngày 16/6, theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine.

Số cuộc giao tranh đã tăng lên 40, con số cao nhất kể từ đầu tháng 6. Được hỗ trợ bởi các phương tiện tấn công sẵn có (máy bay, pháo binh, máy bay không người lái tấn công, vũ khí nhỏ...), quân đội Nga đã cố gắng chia cắt đội hình của lực lượng phòng thủ Ukraine gần các khu định cư Novooleksandrivka, Yevhenivka, Kalynove, Sokol, Novoselivka Persha và Umanske.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã đẩy lùi 32 vụ tấn công của Nga, tám vụ tấn công vẫn đang tiếp diễn.

Nga bắn hạ máy bay không người lái ở biên giới

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine trên vùng Krasnodar.

"Vào lúc khoảng 22h ngày 16/6, một kế hoạch tấn công của Ukraine nhằm vào Nga bằng máy bay không người lái đã bị ngăn chặn. Một máy bay không người lái đã bị phá hủy trên khu vực Krasnodar", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Hội nghị thượng đỉnh hoà bình Ukraine ra thông cáo chung, một số quốc gia không ký

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu ở Thụy Sĩ đã đưa ra thông cáo chung về nền tảng hòa bình ở Ukraine. Tuy nhiên, một số quốc gia và tổ chức góp mặt ở hội nghị này đã quyết định không ký vào thông cáo.

Theo Pravda, các lãnh đạo quốc tế nhấn mạnh quyết tâm kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, cũng như các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ mà tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, tuân thủ.

Thông cáo kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và các cảng trên Biển Azov, đồng thời nhấn mạnh tất cả tù binh chiến tranh phải được trả tự do thông qua trao đổi. Nhưng hội nghị đã bỏ qua các nội dung khó khăn hơn, như: Việc giải quyết vấn đề hậu chiến cho Ukraine, liệu Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) không, hay việc rút quân từ cả hai bên sẽ diễn ra như thế nào.

Thông cáo cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên. Do đó, chúng tôi quyết định sẽ thực hiện các bước đi cụ thể trong tương lai với sự tham gia sâu hơn của các bên”.

Khi các cuộc thảo luận hôm Chủ nhật (16/6) chuyển sang các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng hạt nhân, một số lãnh đạo đã rời đi sớm.

Hãng tin Pravda cho biết thông cáo đã được gần 80 quốc gia và 4 tổ chức ký kết.

Tuy nhiên, đại diện của một số quốc gia tham gia hội nghị đã từ chối ký thông cáo chung, trong đó có Armenia, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, Nam Phi, Indonesia, Mexico, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Đại diện bốn tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cũng không ký.

Theo RT, hiện chưa rõ lý do vì sao một số quốc gia và tổ chức không ủng hộ tài liệu này dù một số vấn đề gây tranh cãi trong thông cáo đã được bỏ qua với hy vọng thu hút được sự ủng hộ rộng rãi hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud hôm Chủ nhật cho biết bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột sẽ đều cần có sự tham gia của Nga.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer trước đó đã dự đoán rằng không phải tất cả các quốc gia và tổ chức tham gia đều sẽ ký vào thông cáo, vì “vấn đề là lựa chọn từ ngữ cụ thể”.

Theo Tass, Pravda
MỚI - NÓNG