Hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) MIM-104 Patriots của Quân đội Mỹ tại sân bay Rzeszow-Jasionka ở Ba Lan, tháng 3/2022. (Ảnh: Reuters) |
Đây sẽ là thay đổi đáng kể nữa trong chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Ukraine, nhằm giúp nước này giành được lợi thế trên chiến trường.
Chính sách trên vẫn đang được các quan chức của chính quyền chuẩn bị và chưa được Tổng thống Biden ký.
“Chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào và nói vào thời điểm này vẫn là sớm. Tổng thống hoàn toàn chắc chắn việc sẽ không đưa binh lính Mỹ đến Ukraine”, một quan chức của chính quyền nói với CNN.
Nếu được thông qua, thay đổi này sẽ được triển khai trong năm nay, và sẽ cho phép Lầu Năm Góc ký hợp đồng với các công ty Mỹ để họ đưa người đến Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm 2022. Các quan chức Mỹ hy vọng họ có thể đẩy nhanh việc bảo dưỡng và sửa chữa những hệ thống vũ khí mà quân đội Ukraine sử dụng.
Trong 2 năm qua, ông Biden nhiều lần khẳng định tất cả người Mỹ, đặc biệt là binh lính, sẽ tránh xa tiền tuyến Ukraine. Nhà Trắng quyết tâm hạn chế rủi ro và nhận thức, nhất là từ phía Nga, rằng quân đội Mỹ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân nước này không đến Ukraine từ năm 2022.
Kết quả là những khí tài quân sự mà Mỹ cung cấp nếu bị hỏng hóc đáng kể sẽ được chuyển sang Ba Lan, Romania hoặc các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác để sửa chữa, một quy trình tốn nhiều thời gian. Quân đội Mỹ cũng có thể giúp Ukraine bảo dưỡng định kỳ và hậu cần, nhưng chỉ có thể thực hiện từ xa, qua chat video hoặc điện thoại bảo mật, nhưng cách này cũng gặp nhiều hạn chế.
Vì vậy, giới chức Mỹ bắt đầu xem xét lại nghiêm túc những hạn chế đó trong những tháng qua, nhất là trong bối cảnh Nga tiếp tục giành lợi thế trên chiến trường.
Các quan chức Mỹ cho biết, việc cho phép những nhà thầu nước này có kinh nghiệm hiện diện ở Ukraine sẽ giúp sửa chữa khí tài đắt tiền nhanh hơn nhiều.
Một hệ thống tiên tiến sẽ cần bảo dưỡng thường xuyên là máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine dự kiến sẽ nhận được vào cuối năm nay.
Cuộc thảo luận về việc cho phép các nhà thầu đưa người đến Ukraine diễn ra sau một loạt quyết định của Mỹ nhằm giúp Ukraine đối phó với Nga.
Cuối tháng 5 vừa qua, ông Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, ở khu vực giáp biên giới với thành phố Kharkiv, dù trước đó Washington nhiều lần từ chối.
Tuần trước, chính sách được mở rộng thêm một lần nữa, khi Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Ukraine có thể phản công bất cứ nơi nào dọc biên giới với Nga bằng vũ khí của Mỹ.
Các quan chức hiện tại và đã nghỉ hưu nhấn mạnh rằng thay đổi mới sẽ không dẫn đến sự hiện diện áp đảo của các nhà thầu Mỹ như từng xảy ra ở Iraq và Afghanistan, mà chỉ có từ vài chục đến vài trăm nhà thầu làm việc tại Ukraine cùng lúc.