Xuất khẩu cá tra giảm, nông dân 'treo ao'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xuất khẩu (XK) cá tra nửa đầu năm 2023 rất khó khăn. Ngành hàng tỷ đô ghi nhận tăng trưởng âm ở nhiều thị trường…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), XK cá tra tháng 6 tiếp tục giảm hai con số, chỉ mang về 156 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt trên 885 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang, cho rằng, ngành cá tra đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, đặc biệt về thị trường. Trong đó, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính hay giá rẻ nữa mà đã có những phân khúc cao cấp, khó tính hơn. Các tỉnh phía Nam và phía Bắc của thị trường tỷ dân tương đối dễ tính, nhưng không có nghĩa họ chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng.

Trong khi các thị trường trọng điểm khác của cá tra Việt Nam là Mỹ, các nước châu Á, khối CPTPP… cũng khó khăn khi kim ngạch đều giảm hai con số từ đầu năm đến nay. Theo ông Văn, đã đến lúc cân đối lại nhu cầu của thị trường XK. Tất cả các doanh nghiệp (DN) cũng như Ủy ban Cá nước ngọt của VASEP nên ngồi lại với nhau để giải bài toán nhu cầu thị trường, không thể sản xuất tràn lan rồi phải tìm mọi cách để bán ra.

Theo ông Lê Văn Chung, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia, thị trường khó có thể phục hồi ngay trong năm 2023. Ngành thủy sản hiện phụ thuộc nhiều vào tình hình xung đột Nga - Ukraine, khó dự đoán khi nào sẽ kết thúc. Ngoài ra, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất hiện nay. Dù đã mở cửa trở lại nhưng khả năng chi trả của người tiêu dùng Trung Quốc giảm.

Còn nhiều bất cập

Theo ông Chung, không chỉ tại thị trường quốc tế mà các DN cá tra cũng phải cạnh tranh với các DN gia công nhỏ lẻ, thời vụ trong nước. Số lượng các cơ sở gia công nhỏ lẻ, kém chất lượng… chiếm khoảng 25%. Điều này làm ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa quản lý chặt chẽ về vùng nuôi. Khi cá được giá, nhiều nông dân đổ xô thả nuôi; khi giá thành giảm, nhiều người “treo ao”. Do thiếu quản lý chặt chẽ nên khó xác định lượng cung dẫn đến khủng hoảng thừa hoặc thiếu.

Xuất khẩu cá tra giảm, nông dân 'treo ao' ảnh 1

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Đại diện Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho rằng, phải giảm tồn kho bằng cách giảm sản lượng mùa vụ tiếp theo. Các DN nên ngồi lại với nhau để cân đối cho mùa sắp tới (thu hoạch vào tháng 2-3 năm sau), nuôi giảm mật độ để tránh dịch bệnh.

DN cũng kiến nghị VASEP đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có phương án hỗ trợ để giảm giá thành thức ăn cho cá. Thời điểm trước dịch COVID-19, giá 1kg thức ăn cá tra trên dưới 10.000 đồng nhưng hiện nay ở mức trên dưới 13.000 đồng, trong khi đây là yếu tố chiếm 75% giá thành cá tra. Con số này quá cao khiến lợi nhuận của cả DN và người nuôi cá tra đều giảm. Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL mấy tháng gần đây chỉ neo ở mức 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 29.000-30.000 đồng/kg.

Giá cá tra sụt giảm khiến nhiều nông dân tại ĐBSCL “treo ao” do càng nuôi càng lỗ, sản xuất không còn hiệu quả.

Quan tâm khâu con giống

Theo các DN, hiện nay, dù Nhà nước cũng đầu tư các trung tâm giống nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Hầu hết giống cá tra do nông dân cung cấp. Không có sự hỗ trợ từ các nhà khoa học, chất lượng con giống chưa được như kỳ vọng, tỉ lệ hao hụt khi thả nuôi lên tới 50-55%, thời gian nuôi cá cũng lâu hơn trước đây.

“Trong những năm gần đây, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác đã bắt đầu triển khai các dự án nuôi cá tra. Nếu Việt Nam không quan tâm đúng mức và kịp thời cải thiện chất lượng nguồn giống, ngành cá tra Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong những năm tới”, đại diện một DN cá tra nhận định.

Theo VASEP, những tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, lạm phát ở châu Âu và nhiều nước kéo dài cùng với lượng tồn kho đã ảnh hưởng không nhỏ đến XK cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023. Sản xuất và XK cá tra đang phải chịu chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến DN khó khăn về nguồn vốn.

“Khi DN giảm doanh số, các nhà máy thức ăn, con giống cũng bị giảm sản lượng sản xuất. Vì vậy, các bên nên hợp tác, đồng cam cộng khổ với DN. Các DN cá tra cũng mong Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời về gói hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay, giúp DN có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này”, VASEP kiến nghị.

Xây dựng nghề cá phát triển bền vững, hiện đại

Sáng 18/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại.

Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có 172 cảng cá và 161 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tiếp tục tập trung đầu tư 5 trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang gắn với các ngư trường trọng điểm. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc lập lại trật tự khai thác thủy sản trong 20-30 năm tới là công việc rất khó khăn trong điều kiện nguồn lợi thủy sản suy kiệt, lượng tàu cá còn rất lớn, đồng thời đây là nghề lâu đời của bà con.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG