Xử lý nhiều vi phạm trong thu mua, chế biến gỗ keo ở Thanh Hoá

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Lê Đức Giang chỉ đạo, đối với các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản bị xử phạt hành chính không có biện pháp khắc phục, cố tình hoạt động thì cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm hoặc lập hồ sơ thu hồi đất.

Qua kiểm tra, rà soát, ngành chức năng Thanh Hoá vừa qua đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với một số cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn.

Cụ thể, tại huyện Như Xuân, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản và ban hành 3 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 3 cơ sở trên địa bàn xã Bãi Trành của các cá nhân: T.V.H, T.V.H, N.V.X, đều có hộ khẩu thường trú tại xã Bãi Trành.

Các cá nhân này bị xử phạt hành chính về hành vi: Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định.

Xử lý nhiều vi phạm trong thu mua, chế biến gỗ keo ở Thanh Hoá ảnh 1

Một trạm cân tại xã Mậu Lâm trên đất hộ gia đình, công tác phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo

Cụ thể, các cá nhân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm (thuộc đất được nông trường Bãi Trành giao quản lý sử dụng) sang để xây dựng nhà, xưởng trái phép trên đất nông nghiệp khi chưa được sự đồng ý của cơ quan cấp có thẩm quyền. Theo đó, các cá nhân bị xử phạt 22,5 triệu/mỗi cá nhân, tổng số tiền xử phạt là 67,5 triệu đồng; kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Qua kiểm tra của ngành chức năng cũng cho thấy, các cơ sở sản xuất kinh doanh của các hộ nêu trên không có hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy; môi trường.

Liên quan đến việc này, đầu tháng 11/2023, Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy, hồ sơ nguồn gốc lâm sản có nguồn gốc hợp từ gỗ rừng trồng, đúng theo quy định; không phát hiện dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc lâm sản.

Còn tại huyện Như Thanh có 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh (17 doanh nghiệp và 14 hộ kinh doanh) thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, băm dăm gỗ... Kết quả kiểm tra cho thấy, đối với 17 doanh nghiệp do Sở KHĐT Thanh Hoá cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 14 hộ kinh doanh do phòng Tài chính - kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp theo quy định. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản có nguồn gốc hợp pháp từ gỗ rừng trồng, đúng theo quy định; không phát hiện dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc lâm sản.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai 3 cơ sở (tổng số tiền xử phạt là 12 triệu đồng), buộc các cơ sở dừng ngay hành vi vi phạm, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm....

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang vừa có chỉ đạo các huyện, tiếp tục rà soát toàn diện các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo; xử lý nghiêm đối với các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản vi phạm quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Trường hợp các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính, không có biện pháp khắc phục, cố tình hoạt động thì thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm hoặc lập hồ sơ thu hồi đất theo đúng thẩm quyền và quy định...

Trước đó, báo Tiền Phong đã phản ánh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều trạm cân, cơ sở thu mua gỗ keo tràm vi phạm pháp luật.

MỚI - NÓNG