'Bội thực' trạm cân, thu mua gỗ keo tràm ở Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hàng chục trạm cân, cơ sở thu mua gỗ keo tràm ngang nhiên vi phạm pháp luật nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý.

Gần đây, trên địa bàn huyện Như Thanh (Thanh Hóa) xuất hiện nhiều trạm cân điện tử của các cơ sở thu mua gỗ keo tràm hoạt động chưa tuân thủ các quy định. Trong đó, đa số các chủ cơ sở đặt trạm cân trên đất ở và đất trồng cây lâu năm gắn liền với đất ở (đất vườn nhà).

'Bội thực' trạm cân, thu mua gỗ keo tràm ở Thanh Hóa ảnh 1

Một trạm cân tại xã Mậu Lâm trên đất hộ gia đình, công tác phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo

Tại xã Xuân Khang (huyện Như Thanh), thống kê cho thấy, trên địa bàn xã có 6 trạm cân được đặt để thu mua gỗ keo tràm, trong đó có 5 trạm đang hoạt động. Qua rà soát của chính quyền địa phương, 5/6 trạm cân được đặt trên phần đất hộ gia đình. Bao gồm, trạm cân của Cty TNHH Xây dựng tổng hợp N.N, trạm cân của hộ C.V.C, hộ L.T.T, Cty TNHH H.T.N.T, Cty TNHH Dịch vụ thương mại T.L (hiện đang tạm dừng thu mua). Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Khang cho biết, các trạm cân đều có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng trạm cân đặt tại đất hộ gia đình chứ không phải đất quy hoạch, đất thương mại dịch vụ là không đúng.

Chủ một trạm cân tại thôn Đồng Mưa (xã Xuân Khang) cho biết, gia đình mới mở trạm cân từ cuối năm 2022 và đặt trên diện tích đất hộ gia đình chứ chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. “Chúng tôi biết đặt trạm cân trên đất hộ gia đình là chưa đúng. Chúng tôi mong muốn chính quyền hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các thủ tục pháp lý khác để trạm cân hoạt động đúng quy định pháp luật”, chủ trạm cân này nói.

Tương tự, tại xã Xuân Phúc (huyện Như Thanh) hiện có 5 trạm cân keo tràm. Tuy nhiên, thống kê của UBND xã Xuân Phúc cho thấy, cả 5 trạm cân đều đặt trên đất hộ gia đình. Ví như trạm cân của các hộ D.Đ.S (thôn Bái Thất), hộ L.B.N (thôn Phúc Minh), T.M.C (thôn Đồng Xã)…Ngoài vi phạm về đất đai, công tác phòng cháy chữa cháy của các trạm cân cũng chưa đảm bảo. Ví như, tại một trạm cân trên địa bàn xã Xuân Khang, gỗ keo sau khi thu mua được để bừa bãi trên một bãi đất trống của gia đình. Thời điểm chúng tôi có mặt, xung quanh bãi gỗ này cũng không có bình cứu hỏa hay chuông báo cháy.

Các cơ quan chức năng huyện Như Thanh cho rằng, các cơ sở có trạm cân trên địa bàn cũng có những đóng góp nhất định cho địa phương và người dân. Ví như, trong quá trình hoạt động, một số cơ sở có trạm cân cũng cho người dân ứng tiền để trồng, chăm sóc keo...

Dù vậy, việc các trạm cân ngang nhiên hoạt động đã không nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân. Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành chế biến lâm sản ở Như Thanh cho biết, để mở một trạm cân nông sản, chủ cơ sở phải tuân thủ các quy định pháp luật. Ví như, doanh nghiệp muốn mở trạm cân phải có giấy phép kinh doanh. Vị trí đặt trạm cân phải là đất kinh doanh dịch vụ hoặc trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp đã được phê duyệt. Cơ sở cũng phải có hợp đồng lắp đặt bàn cân điện tử và cân phải qua kiểm định.

Ngoài ra, cơ sở phải được: thẩm định về phòng cháy chữa cháy, trong đó ít nhất phải có bình chữa cháy, chuông báo cháy và trụ nước chữa cháy (hoặc ao hồ); Đánh giá tác động môi trường, phương án xử lý nước thải…

Liên quan hoạt động của các trạm cân, UBND huyện Như Thanh cho biết, UBND huyện mới có công văn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn báo cáo về các cá nhân, tổ chức thu mua, băm dăm gỗ trên địa bàn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND huyện Như Thanh cho biết, qua số liệu báo cáo ban đầu của các địa phương cho thấy, trên địa bàn huyện có trên 20 trạm cân gỗ keo đặt tại các xã, thị trấn. UBND huyện đang tổng hợp, rà soát hoạt động của các trạm cân; yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường Như Thanh làm rõ về đất đặt vị trí bàn cân là đất lâm nghiệp, đất hộ gia đình hay đất nông nghiệp.

MỚI - NÓNG