Loay hoay bảo tồn kiến trúc Pháp cổ:

Xót xa phế tích tại Tam Đảo, Sa Pa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giờ đây đến Tam Đảo, Sa Pa, nhiều du khách không khỏi tiếc nuối về những công trình kiến trúc Pháp cổ lộng lẫy một thời. Tại Tam Đảo, ngoài nhà thờ đá, còn lại hầu hết cả trăm công trình Pháp cổ không còn, thay vào đó là hàng loạt công trình mới xây, nhà cao tầng hoành tráng…

Từ trung tâm thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đi ngược lên sườn núi, nơi đây ngổn ngang những phế tích của công trình Pháp cổ. Nhiều căn biệt thự xây bằng đá rộng cả nghìn mét vuông trước kia nay chỉ còn trơ nền móng rêu phong. Một số căn còn lại tầng một, cầu thang xây bằng đá khá rộng, vuông vắn. Một số cây cột trụ nhà bằng đá rêu phong cao lừng lững trên đồi phần nào cho thấy sự hoành tráng một thời của công trình. Đếm chưa đầy đủ cũng đã có hàng chục nền móng biệt thự Pháp cổ còn sót lại với mật độ khá dầy, nối tiếp nhau trên sườn đồi. Trên nền móng biệt thự Pháp cổ có khá nhiều những biển rao bán đất với đầy đủ số điện thoại...

Xót xa phế tích tại Tam Đảo, Sa Pa ảnh 1

Cả trăm biệt thự Pháp cổ tại Tam Đảo nay chỉ còn phế tích

Trải qua hơn 100 năm với nhiều biến cố lịch sử, những biệt thự Pháp cổ dần biến mất thế chỗ vào đó là gần 200 cơ sở lưu trú với hơn 3.000 phòng nghỉ. Theo tài liệu của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1: “Năm 1904, một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền giao nhiệm vụ tìm trong dãy núi Tam Đảo, gần Hà Nội, một địa điểm thuận lợi để đặt một trạm nghỉ mát mùa hè. Phái đoàn đã báo cáo là ở độ cao 930m có một khoảnh đất hình vành chảo có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án nói trên… Năm 1906, Phủ Toàn quyền quyết định xây dựng trạm nghỉ đó. Một hợp đồng xây dựng đường sắt cáp kéo và một khách sạn lớn đã được ký kết giữa Chính quyền thuộc địa và một công ty tư nhân. Nhiều công trình nghiên cứu tốn kém cũng đã được thực hiện nhưng thật không may, việc thực hiện chương trình này ban đầu bị chậm lại và sau đó buộc phải từ bỏ hoàn toàn do chiến dịch Yên Thế và lý do tài chính”.

“Hấp dẫn nhất của Sapa là khí hậu mát mẻ đặc trưng và của văn hóa bản địa. Trong đó, những công trình kiến trúc Pháp cổ như nhà thờ đá, tu viện, biệt thự cổ…có giá trị rất quan trọng. Đây chính là hình ảnh riêng của Sa Pa, khẳng định nơi đây được người Pháp biết đến từ rất sớm”.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao Lào Cai

Đến năm 1944, Tam Đảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy; trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau khá phong phú. Những công trình nổi tiếng trước đây như: Khách sạn Cascade Argent (Thác Bạc), cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp của người Pháp ở Tam Đảo thập niên 1920; Cây cầu nối biệt thự Millìes-Lacroix với khách sạn Thác Bạc; Bưu điện của khu nghỉ mát Tam Đảo thời thuộc địa; Bến xe Tam Đảo, cách khách sạn Thác Bạc khoảng 150m, khoảng năm 1935; Hồ bơi Tam Đảo năm 1937-1938; Cầu Nhật Bản cạnh sân chơi trẻ em, bắc qua dòng suối Thác Bạc, 1939; Dinh toàn quyền Pháp; cầu mặt quỷ…

Tại Sa Pa (Lào Cai), đến nay số công trình Pháp cổ còn lại rất ít. Tu viện xây dựng tại Tả Phìn chỉ còn lại phế tích hoang vắng. Một số công trình khác cũng đang bị xuống cấp như Trạm khí tượng Sa Pa. Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, các công trình kiến trúc Pháp cổ được chính một số cơ quan nghiên cứu từ Pháp qua khảo sát đánh giá rất cao. Tiêu biểu là nhà thờ đá sử dụng chất liệu đá đẽo để xây dựng, hỗn hợp cát, vôi, mật mía được dùng làm chất kết dính rất độc đáo. Khu giáo đường rộng lớn với 32 ô cửa kính đủ màu sắc. Tu viện cổ Tả Phìn nằm ở xã Tả Phìn cách trung tâm thị xã Sa Pa 12 km, trước đây tường đá dày, có hầm vững chắc. Đây là nơi tu hành của 12 nữ tu thuộc dòng Nữ tu của Hội thánh Kito...

Ngột ngạt danh thắng

Quá trình khảo sát về công trình kiến trúc Pháp cổ tại Tam Đảo và Sa Pa, nhóm phóng viên Tiền Phong cũng tận thấy tình trạng quá tải hạ tầng, quy hoạch khá lộn xộn. Tại Tam Đảo, quỹ đất dành cho giao thông, công cộng vốn đã ít ỏi nay ngày càng bị teo tóp do điều chỉnh quy hoạch cục bộ, do buông lỏng quản lý xây dựng. Thay vào đó là hệ thống các công trình nhà hàng, khách sạn mới xây hoành tráng nhưng xa lạ với không gian nơi đây. Đường giao thông quá nhỏ hẹp, thiếu nơi đỗ xe. Hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, xử lý chất thải...đều trong tình trạng chắp vá, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ du khách. Vào những dịp cao điểm, nhiều tuyến đường nối với khu du lịch Tam Đảo còn bị ùn tắc.

Trung tâm lõi của thị xã Sa Pa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa thừa nhận khả năng đáp ứng nơi đỗ xe hiện mới chỉ khoảng 5000 xe ô tô/ngày trong khi số xe thực tế đến đây thường gấp đôi vào ngày cuối tuần. Điều đó dẫn đến tình trạng xe ô tô cá nhân đỗ kín hai bên đường phố. Không gian của Sa Pa đang ngày càng bị thu hẹp còn do mật độ xây dựng quá lớn và thiếu quản lý về kiến trúc. Về giải pháp, ông Vương Trinh Quốc, khẳng định, thị xã sẽ phối hợp, đề nghị với cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai lập đề án khảo sát, đánh giá hiện trạng và phương án bảo tồn với các công trình kiến trúc Pháp cổ.

MỚI - NÓNG