Dự án Trung tâm VHTT Thuận An (giai đoạn 1) được Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt tháng 10/2012, với tổng mức đầu tư gần 21,5 tỷ đồng, chủ yếu do ngân sách tỉnh rót về. Năm 2013, công trình được khởi công, do Ban Đầu tư & Xây dựng huyện Phú Vang làm chủ đầu tư |
Điều đáng nói, với nhiều lần phân bổ vốn đầu tư dàn trải, Trung tâm VHTT Thuận An được xem là thiết chế thể thao có thời gian xây dựng dài “kỷ lục” tại TT-Huế. Kể từ khi khởi công, phải đến 8 năm sau, công trình mới được nghiệm thu và bàn giao về cho thị trấn Thuận An (nay là phường thuộc TP Huế) quản lý, khai thác |
Trước đó, Dự án Trung tâm Văn hóa Thể thao Thuận An được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh TT-Huế thống nhất quy mô đầu tư giai đoạn 1, với diện tích triển khai là 5,5ha, tổng mức đầu tư trên 21 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách |
Dự án gồm nhiều hạng mục đầu tư: xây dựng khán đài sân bóng đá rộng 1.500m2, mặt sân bóng, đường chạy (piste) 8.000m2, mương thoát nước bao quanh dài 600m, nhà vệ sinh, nhà điều hành… Mục tiêu dự án nhằm bổ sung công trình văn hóa thiết yếu cho thị trấn Thuận An và huyện Phú Vang (thời điểm đó Thuận An chưa sáp nhập vào TP Huế), kết hợp chỉnh trang đô thị |
Thời điểm khởi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đặt mục tiêu hoàn thành dự án giai đoạn 1 trong khoảng thời gian 3 năm. Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ kéo dài, dàn trải, khiến dự án chậm hoàn thành thêm nhiều năm sau đó so với kế hoạch ban đầu |
Quá trình triển khai, công trình thiếu vốn, chậm hoàn thành, phải sửa chữa, hoàn thiện chắp vá gây nên lo ngại về chất lượng xây dựng khi đưa vào sử dụng. Trên thực tế, đến nay sau khi được huyện Phú Vang bàn giao về cho phường Thuận An (TP Huế) quản lý, nhiều hạng mục tái hư hỏng, như hệ thống thoát nước mặt sân bóng, tường vách phía sau khu khán đài bong tróc, kết cấu thép xà gồ khán đài chính rỉ sét, mặt sân bóng không thể sử dụng do lồi lõm sình lầy… |
Điều đáng lo ngại hơn cả là sự lãng phí công trình đầu tư bằng ngân sách có trị giá hàng chục tỷ, xây xong không biết để làm gì |
Theo UBND phường Thuận An, do công trình xa khu dân cư lại không có bảo vệ trực, nên công tác quản lý trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Đây là nơi trâu bò của dân thường xuyên vào ăn cỏ, phóng uế, giẫm đạp mặt cỏ sân bóng đá. Mặt sân thoát nước kém, có chỗ vẫn ngập bùn đã trở thành nơi đầm mình của trâu bò |
“Không ai dám chơi bóng trên mặt sân còn tệ hơn mặt ruộng như vậy. Khi vận động thể thao, chỉ cần sơ sảy là có thể bị chấn thương nặng”, một thanh niên khu vực Tân Cảng (Thuận An) cho biết. Phía phường Thuận An - đơn vị tiếp nhận món “của nợ” này cho rằng, nếu có kinh phí đầu tư lại toàn bộ mặt sân, các hoạt động thể thao diễn ra tại đây mới có thể bảo đảm an toàn |
Hiện nay, cả khu vực trung tâm thể thao với hơn 50.000m2 đang trở thành một “cánh đồng hoang” rộng lớn đầy rác rưởi, phân gia súc, cỏ dại và luôn trong cảnh vắng vẻ. Chính quyền phường cho biết, trước mắt, khu Trung tâm VHTT hơn 21 tỷ này được trưng dụng làm nơi sinh hoạt, hội họp của tổ dân phố, cũng như các hoạt động thể thao của địa phương. Tuy nhiên, từ thực tế những gì đang diễn ra nơi đây, Trung tâm VHTT Thuận An đang bị lãng phí về chức năng sử dụng. Nhiều người còn lo ngại rằng, ngân sách nhà nước đã đầu tư “lạc” địa chỉ. |
.