Cắt giảm còn hơn “đắp chiếu”
Bộ KH&ĐT cho biết, có thể rà soát, cắt giảm tới 1.500 dự án đầu tư công, từ 6.447 xuống còn khoảng 5.000 dự án, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải (có địa phương cắt giảm tới 460 dự án), ông thấy sao về con số này?
Việc rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư công căn cứ trên nhiều khía cạnh. Nếu rà soát thấy dự án không đủ điều kiện, đương nhiên phải cắt giảm. Trước tiên, với những dự án đã thực hiện rồi, nhưng nhận thấy không hiệu quả, buộc phải dừng. Bởi nếu không hiệu quả mà cứ làm, dẫn đến dự án đắp chiếu thì hệ quả còn tai hại hơn. Tất nhiên, việc cắt giảm giữa chừng gây tổn hại cho ngân sách nhà nước, đương nhiên phải có người chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó là tình trạng ghi số tiền dự án không phù hợp, không cân đối với nguồn vốn. Nhiều địa phương cứ đề nghị đưa vào, trong khi đó khả năng cân đối ngân sách cho địa phương có giới hạn, dẫn đến quá tải, mất cân đối, không thể đáp ứng được thì phải loại bỏ.
Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trước hết phải tự chịu trách nhiệm về việc bố trí vốn của mình, cũng như vấn đề hiệu quả và việc tuân thủ pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản để điều chỉnh danh mục vốn. Nếu việc điều chỉnh không phù hợp, trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu. Cơ quan tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, và trước nhân dân.
Nói về trách nhiệm, lâu nay đã có không ít dự án đầu tư công kém hiệu quả, nằm đắp chiếu, nhưng việc xử lý trách nhiệm với cá nhân, tổ chức liên quan còn mờ nhạt, thưa ông?
Trong những năm gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện ra nhiều vấn đề, qua đó đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu, có cương vị cao, liên quan đến sai phạm tại dự án. Tôi được biết, bây giờ vẫn đang tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các vụ án trọng điểm. Trong quá trình điều tra khởi tố có tính đến trách nhiệm người đứng đầu và những người liên quan.
Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đang làm với các dự án lớn, thuộc về những điểm nóng. Điều này rất cần thiết và phải làm quyết liệt, làm nhanh. Với dự án lớn sẽ tiêu tốn nhiều tiền, nhưng những dự án hàng trung, hàng nhỏ, tuy chỉ vài chục tỷ, vài trăm tỷ đồng lại có rất nhiều.
Tách riêng mỗi dự án thì vốn ít, nhưng nếu cộng lại sẽ là một số tiền khổng lồ. Do vậy, quá trình rà soát, thanh kiểm tra phải xem xét trên bình diện tổng thể với tất cả các dự án. Bất luận dự án lớn nhỏ, chỗ nào sai thì phải chịu trách nhiệm. Điều này có tính chất răn đe, lập lại kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.
Cấp thiết sửa đổi Luật Đất đai
Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng lên, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn đặt ra?
Trong vài năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản có chuyển biến hơn so với trước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân hiện nay vẫn rất chậm, buộc phải chuyển nguồn sang năm sau. Điều này gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hai năm qua, ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách, trong khi các khoản chi lại rất lớn, từ đó gây sức ép tăng nợ công.
TS. Bùi Đức Thụ |
Những dự án đắp chiếu gần đây có giảm, nhưng dự án kém hiệu quả, tốn rất nhiều tiền ngân sách lại rất phổ biến. Như 12 đại dự án nghìn tỷ, đầu tư chưa xong đã thấy không lối thoát.
Bội chi tăng, nợ công tăng, trong khi yêu cầu đầu tư lớn để tháo gỡ nút thắt. Có vốn rồi, có tiền rồi mà tiêu không được, cứ phải vắt chuyển nguồn từ năm này sang năm kia, với số lượng tới vài trăm nghìn tỷ đồng. Đó là vấn đề bức xúc cần tập trung giải quyết để chống lãng phí cũng như đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.
Theo ông đâu là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công?
Trước tiên là việc ghi kế hoạch vốn không phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều dự án thậm chí chưa giải phóng được mặt bằng, còn tranh chấp hết sức căng thẳng nhưng đã ghi vốn. Rồi nhiều dự án ghi vốn vống lên, cũng có dự án lúc đầu cần thiết nhưng sau này tình hình thực tiễn thay đổi. Thế nhưng việc điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp lại quá chậm. Nếu cứ dập khuôn, không điều chỉnh, mà đầu tư theo kế hoạch ban đầu dẫn đến công trình kém hiệu quả, thậm chí làm xong bỏ không, gây lãng phí rất lớn.
Mặt khác, việc giải ngân chậm còn do công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đền bù, chính sách tái định cư làm mỗi nơi một kiểu. Giá đất mặc dù đã được điều chỉnh trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa phù hợp thực tiễn, khung giá đền bù còn thấp so với thực tiễn. Dẫn đến thu hồi đất khó khăn, do người dân không chấp hành vì thấy mức đền bù không thoả đáng. Đã đến lúc phải rà soát lại các văn bản, đặc biệt đối với Luật Đất đai, cần sửa đổi cho phù hợp.
Ngoài ra, công tác đấu thầu cũng có nhiều vấn đề. Ví dụ, việc xây dựng đường cao tốc phía Đông, cấp thiết rồi, phải làm, đã bố trí vốn. Lúc đầu chấp nhận cho nhà thầu quốc tế, nhưng sau lại ưu tiên nhà thầu trong nước, không có nhà thầu quốc tế tham gia. Nhưng nhà thầu trong nước lại thiếu năng lực, đấu thầu đi đấu thầu lại, dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án, gây lãng phí. Rồi lại phải trình ra Quốc hội xin cơ chế chấp nhận chỉ định thầu.
Vậy theo ông, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công là gì?
Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, nên hiệu quả đầu tư phải là vấn đề số một. Giải ngân nhanh là một trong những giải pháp cần phải làm, nhưng không có nghĩa phải giải ngân bằng mọi giá, tiêu tiền bằng mọi cách. Nếu dự án không hiệu quả, phải có người chịu trách nhiệm chứ? Đã phân cấp, phân quyền rồi, lại để xảy ra tình trạng dự án làm chưa xong, hay vừa khánh thành đã đắp chiếu. Đây là một đau xót, cần phải làm rõ, đặc biệt vấn đề trách nhiệm, không thể kéo dài mãi tình trạng này.
Cảm ơn ông.