Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, giải ngân được 406.800 tỷ đồng vốn đầu tư công là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Giai đoạn 2011 - 2019, giải ngân đầu tư công cao nhất chỉ đạt 15%.
Để đạt được kết quả này, từ đầu năm tới nay, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp giao ban để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cũng lập đoàn công tác xuống từng địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho giải ngân vốn đầu tư công.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc, tốc độ giải ngân nhanh, lượng vốn lớn liệu có đảm bảo chất lượng dự án, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, định kỳ hằng năm sẽ có báo cáo đánh giá chất lượng dự án. Tại kỳ họp Quốc hội đầu năm, Bộ KH&ĐT sẽ gửi báo cáo giám sát các dự án đầu tư công. Tại địa phương, sự giám sát của Mặt trận tổ quốc các cấp đối với dự án đầu tư công ngày càng tăng.
“Sự giám sát của cộng đồng đối với dự án đầu tư công ngày càng lớn. Với giám sát của người dân, sự vào cuộc của cơ quan chức năng hiện nay, chủ đầu tư dự án đầu tư công sẽ không dám chạy theo thành tích, bỏ ngỏ chất lượng. Theo tôi, chất lượng dự án đầu tư công trong năm 2020 sẽ đảm bảo”, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, giải ngân đầu tư công nhanh chóng là động lực quan trọng, đóng vai trò xương sống, cốt lõi thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, giải ngân đầu tư công nhanh cũng tạo động lực cho khối các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp…
Gánh nặng giải ngân cuối năm
Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 10 năm qua, nhưng khối lượng vốn đầu tư công đến cuối năm vẫn lên tới 200.000 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt là nguồn vốn ODA. Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ.
Sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công tác thi công, đây là nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công…
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để tăng tốc giải ngân cần áp dụng chế tài mạnh, nêu rõ trách nhiệm và công khai danh tính của đơn vị chưa đạt yêu cầu. Từ đó tăng cường giám sát từ phía cộng đồng.
Thời gian tới để giải quyết vấn đề chậm giải ngân đầu tư công không những cần sự chỉ đạo tích cực hơn nữa từ Chính phủ mà còn cần sự nỗ lực tự thân của các bộ, ngành, địa phương. Sự minh bạch cũng cần được nhấn mạnh, duy trì thông qua công khai quy trình giải ngân đến từng đơn vị liên quan dự án. Đặc biệt, phải bảo đảm cho thực hiện thanh toán trong thời hạn 4 ngày kể từ khi có khối lượng được nghiệm thu.