Giải ngân đầu tư công: Vướng mắc lớn nhất là quy trình

Dự án sân bay Long Thành đang gặp vấn đề trong công tác đền bù, GPMB
Dự án sân bay Long Thành đang gặp vấn đề trong công tác đền bù, GPMB
TP - Theo Thứ trưởng Bộ KH&ÐT Trần Quốc Phương, giải ngân chỉ là bước cuối cùng của đầu tư công, song trước đó còn nhiều công đoạn với các quy trình, thủ tục rất phức tạp...

Ngày 22/9, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo khoa học nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước.

Theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đầu tư công là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm, đồng thời thúc đẩy thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Song việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được, trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay, các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên.

Qua kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt trong các dự án dưới các hình thức mới như đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ.

 Đại diện Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính thông tin, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là hơn 630 nghìn tỷ đồng. Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, tổng vốn giải ngân trong 7 tháng hơn 193 nghìn tỷ và hết tháng 8/2020 ước khoảng 221 nghìn tỷ đồng, đạt 47,08% so với kế hoạch Chính phủ giao. Nguyên nhân gây chậm giải ngân là kế hoạch vốn xây dựng không sát, một số dự án ODA được phân bổ cao hơn khả năng hấp thụ.

Vụ Đầu tư dẫn chứng: dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sân bay Long Thành mới giải ngân được hơn 2.100 tỷ đồng trên tổng số hơn 18 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 12,7%. Nguyên nhân do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, áp khung giá bồi thường, phê duyệt đơn giá cấu phần có xây dựng.

Vốn chờ dự án - dự án chờ vốn

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, giải ngân chỉ là bước cuối cùng của đầu tư công, song trước đó còn nhiều công đoạn với các quy trình, thủ tục rất phức tạp, nhiều vấn đề. Ngay bước đầu tiên, xác định chủ trương đầu tư cũng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Rồi sang bước hai, quyết định đầu tư với nhiều công đoạn như thiết kế, dự toán cụ thể chi tiết, đánh giá tác động môi trường…cũng phải mất thêm 6 - 12 tháng. Đó là chưa kể khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) ách tắc, rồi nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh khác cũng có thể kéo dài thêm vài năm.

“Các bước như vậy không làm sớm thì câu chuyện giải ngân là một vấn đề lớn. Chậm giải ngân vốn đầu tư công chính là chúng ta có tiền rồi, nhưng vì các công đoạn của dự án chưa đảm bảo, nên tiền không thể chui ra khỏi kế hoạch, không thể chui ra khỏi kho bạc được”, ông Phương nói. Tình trạng “tiền chờ dự án - dự án chờ tiền” dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp và thường dồn vào cuối năm. Do vậy, theo ông Phương, một dự án muốn giải ngân tốt đòi hỏi phải có đầy đủ các thủ tục, làm từ sớm và kế hoạch phải chuẩn xác.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Luật Đầu tư công mới có tiến bộ khi tách phần chuẩn bị đầu tư và tách phần GPMB riêng đối với dự án nhóm A. Nhưng dự án nhóm B và C lại không được tách, nên gây nhiều khó khăn cho việc phân bổ nguồn vốn. Nút thắt này cần phải sớm được điều chỉnh. Rồi cơ chế giao lập điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng thiếu linh hoạt, gây khó khăn cho các địa phương, các ngành. Rồi đơn giá định mức đặc thù cũng chưa được ban hành phù hợp, dẫn đến không được phê duyệt, quyết toán như đường sắt Cát Linh - Hà Đông.  

Theo ông Hồ Đức Phớc, không chỉ triển khai theo kế hoạch, kiểm toán còn thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan chủ quản, các bộ, ngành liên quan. Đáng lưu ý, sai phạm nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư cũng rất lớn. Bởi vậy, kiểm toán khi công trình đang, hoặc chuẩn bị xây dựng sẽ góp phần tư vấn để các bên sửa chữa, uốn nắm cho phù hợp. “Kiểm toán vào cuộc khi công trình đã được quyết toán, trả tiền cho bên B thì rất khó thu hồi, và khoản này được xác định là khoản thất thoát. Do vậy, chúng ta phải luôn đồng hành, kiểm toán thường xuyên, cả trước, trong và sau quá trình đầu tư thì sẽ chặt chẽ hơn”, ông Phớc nhấn mạnh.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm

Nghệ An là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, giải pháp được địa phương áp dụng trong thời gian qua là thực hiện giao vốn ngay khi có quyết định giao vốn của Trung ương và HĐND tỉnh. Thậm chí, Nghệ An còn đề xuất HĐND tỉnh họp phiên bất thường để thông qua chủ trương đầu tư một số dự án cấp bách. Hàng quý, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT tổng hợp và thông báo tỷ lệ giải ngân đến từng giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã để chỉ đạo kịp thời. “Đối với các công trình trọng điểm, UBND tỉnh phân công từng phó chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp bàn để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đảm bảo tiến độ được giao”, ông Vinh nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cũng nói đến vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Thanh Hóa yêu cầu người đứng đầu các sở ngành, huyện, thị trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện. Thậm chí, bí thư các huyện, thị cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.

Đồng thời, địa phương này còn yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. “Nếu không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu, chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật”, ông Liêm nói. Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện công khai các kết luận kiểm toán để người dân cùng tham gia giám sát.

Đại diện Kho bạc Nhà nước đề nghị công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị thực hiện ngay kết luận kiểm toán, như vậy sẽ có hiệu quả hơn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời cần ban hành chế tài xử phạt đối với các đơn vị chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán.

MỚI - NÓNG