Nói như thế vào thời điểm nào đó, rất nhiều khả năng là các quan chức Bộ GD&ĐT sẽ ngay lập tức “phản pháo”nhưng nay họ còn đang bận tìm cách “gỡ trận” mà chắc chắn chỉ có thể gỡ ít nhiều ở đợt tuyển tiếp theo. Đợt đầu coi như hết cơ hội, cả với những thí sinh kém may mắn và cả với lãnh đạo ngành giáo dục.
Tuy nhiên, tĩnh tâm lại một chút sau “giờ nghỉ hiệp một” để nhìn lại kỳ thi quốc gia lần đầu tiên được tổ chức theo kiểu “hai trong một”, có thể nói ý đồ cải tiến của ngành giáo dục là đáng ghi nhận bởi mục tiêu của kỳ thi kiểu mới là khá rõ ràng: tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho xã hội, giảm áp lực cho thí sinh, không những thế mở rộng cơ hội để nhà nhà học đại học, người người có bằng cử nhân, trường đại học nào cũng có thêm cơ hội “nhận phần” trong miếng bánh giáo dục.
Công bằng mà nói, giai đoạn một, tức là giai đoạn tổ chức thi, mọi việc có vẻ êm xuôi. Đã có một số quan chức giáo dục và gia đình phụ huynh tỏ ra vui mừng khi kỳ thi “thành công tốt đẹp”, cho dù đây đó vẫn còn những kêu ca về chuyện coi thi, vẫn có nơi coi chặt, nơi lỏng tay, để rồi dẫn đến tình trạng có nơi dù là vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn cao hơn học sinh trường chuyên (chuyện này chưa có điều kiện kiểm chứng).
Tuy nhiên, mọi vấn đề của kỳ thi đã bộc lộ cực kỳ “sôi động” khi chuyển sang giai đoạn tuyển sinh. Học trò và cả xã hội bị quay như đèn cù. Chưa có kỳ thi nào mà tình hình lại căng thẳng và rối ren đến thế. Tất cả các mục tiêu đề ra của kỳ thi, cả những thành tựu ban đầu của giai đoạn một bị xóa sổ. Căng thẳng hơn, tiêu tốn thời gian và công sức của xã hội nhiều hơn, trong khi các yêu cầu khác của một kỳ thi lại không đạt được.
Theo ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nguyên nhân (và cũng là điều làm nên khác biệt giữa giai đoạn một và giai đoạn hai) đến từ việc Bộ GD&ĐT quá ôm đồm mọi việc và có nhiều việc lẽ ra nên trả về cơ sở, trả về các trường đại học. Rồi các quan chức của bộ này sẽ phải ngồi lại ngay từ hôm nay để sửa chữa, khắc phục trong đợt tuyển sinh tiếp theo. Nhưng điều lớn hơn chính là câu hỏi: +iệu mọi thứ đều phải tập trung vào một đầu mối là Bộ GD&ĐT, liệu công việc của một cơ quan quản lý ngành là suốt ngày tổ chức thi thay vì hoạch định chính sách, đường lối? Những câu hỏi đó, ngành giáo dục phải trả lời cho được.
Hậu quả của một kỳ thi rối ren thì đã rõ. Nhiều ngày qua, đã có nhiều chuyên gia phân tích. Vấn đề là Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu thế nào, hành động tiếp theo ra sao. Nhưng có một hậu quả chưa được nói đến nhiều và bản thân thí sinh và xã hội sẽ phải gánh chịu: Với kiểu tuyển sinh như hiện nay, thí sinh dường như chỉ quan tâm vào được đại học, còn các yếu tố như sở thích, đam mê, thiên hướng, điều tối quan trọng với một cá nhân, vô hình chung đã bị dẹp qua một bên.