Xét nghiệm người nghi nhiễm H7N9

Xét nghiệm người nghi nhiễm H7N9
TP - Hôm qua, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm người mang virus H7N9 giống như quy trình lấy mẫu xét nghiệm cúm A/H5N1. Các chuyên gia đều đang đối mặt với việc xác định H7N9 từ đâu ra?

> Ca thứ 14 nhiễm virút H7N9 ở Trung Quốc
> Nguy cơ bùng phát dịch H7N9 rất lớn

Chỉ khẳng định được bệnh qua xét nghiệm

Theo ông Cảm, việc lấy mẫu chỉ tiến hành với những đối tượng nghi ngờ, do kinh phí xét nghiệm khá cao (khoảng 2 triệu đồng/ mẫu). Tuần tới, TTYTDP sẽ triển khai tập huấn phòng, chống bệnh này đến tất cả 29 quận/ huyện; phối hợp với Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền biện pháp vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng...

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện tăng cường khám, sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh viêm phổi nghi nhiễm cúm A/H7N9 để cách ly và điều trị ngay. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, chủng cúm A/H7N9 có biểu hiện như những chủng cúm đang lưu hành tại Việt Nam. Cụ thể, bệnh nhân ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi người và có thể kèm theo viêm kết mạc. Do vậy việc nhận biết dấu hiệu của nhiễm chủng cúm mới rất khó. Muốn khẳng định kết quả phải dựa vào kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Ông Phạm Xuân Thu, Giám đốc TTYT Kiểm dịch Y tế Quốc tế - Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại cửa khẩu sân bay Nội Bài có 5 cán bộ trực 24/24 giờ làm nhiệm vụ đo thân nhiệt...

H7N9 -“quả bom” sinh học

Quan chức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (TQ) giờ đây thiên về nhận định cho rằng, khả năng H7N9 ký sinh trên chim di cư khi đưa ra mấy nhận định như lục địa TQ nằm trên đường di cư của nhiều loài chim. Đến nay, 25 chủng virus H7N9 mà con người biết được đều thấy có trên chim chứ không thấy trên gia cầm. Các chủng virus này được phát hiện ở Bắc Mỹ và lục địa Á-Âu, nơi cư trú của chim di cư. Còn TQ chỉ là nơi các vật mang virus bay qua mà thôi.

Tất cả 55 phòng thí nghiệm sinh học trọng điểm thuộc mạng lưới Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của nước này vẫn bó tay với câu hỏi “Chính xác, virus H7N9 từ đâu ra?”.

Không nhận ra dấu hiệu ổ dịch gia cầm ốm hay chết, con người sẽ đối mặt với thách thức khi truy tìm nguồn gốc virus để ngăn ngừa đường lây. Gia cầm mang vi trùng chết người H7N9 sẽ sống lâu hơn ở các trang trại, chợ búa. Quả bom sinh học càng có nhiều cơ hội hơn tiếp cận đến con người. Theo Tân Hoa Xã, tổng số người nhiễm virus cúm H7N9 đến cuối ngày hôm qua đã lên đến 14, trong đó có 6 ca tử vong.

Các bác sỹ chỉ có thể dựa vào các đặc điểm dịch tễ như người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh, ốm, trở về từ vùng dịch bệnh để nghĩ tới loại cúm này

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG