Xem xét đưa giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ LĐTB&XH xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc để cân nhắc các vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu.

Ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn

Diễn đàn người lao động năm 2023 vừa được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng – Nơi diễn ra các Kỳ họp Quốc hội hàng năm, đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu đại diện cho các ngành nghề trên cả nước.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo viên Trần Mạnh Hùng (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ, bản thân ông đã 9 năm công tác xa nhà, phải gửi con tại quê cho người thân, để lên biên giới cắm bản, thực hiện sự nghiệp giáo dục nơi biên giới. Các đồng nghiệp của thầy Hùng cũng như vậy. “Cuộc sống của các cô giáo mầm non cắm bản rất thiệt thòi khi phải xa con nhỏ, gia đình”, thầy Hùng bày tỏ.

Xem xét đưa giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc ảnh 1

Giáo viên Trần Mạnh Hùng (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình)

Từ thực tế trên, giáo viên tỉnh Quảng Bình nêu 2 mong muốn, đề xuất Quốc hội quan tâm nhà ở công vụ cho giáo viên tại vùng núi, hải đảo; đề xuất quy định giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại. Điều này sẽ giúp giáo viên vượt qua khó khăn, yên tâm công tác, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trả lời kiến nghị đề xuất này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chính sách quan tâm tới nhà giáo. Đặc biệt, với giáo viên công tác, giảng dạy ở vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu xa khó khăn thì có thêm nhiều chính sách ưu đãi khác như: Giáo viên nội trú, bán trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3% mức lương tối thiểu, giáo viên dạy các lớp ghép được hưởng phụ cấp 50%...cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.

Cũng theo Bộ trưởng Sơn, riêng trong thời gian đại dịch COVID-19, trước tình hình giáo viên mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề, Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch.

“Đã có hơn 50 ngàn giáo viên mầm non ngoài công lập được thụ hưởng chính sách này với số tiền 158 tỷ đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo viên mầm non ngoài công lập”, ông Sơn nói.

Xem xét đưa giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Tuy nhiên, tư lệnh ngành Giáo dục đào tạo cũng cho rằng, so với những vất vả của giáo viên, nhất là giáo viên tại các vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn thì các chế độ, chính sách vẫn cần phải có sự ưu tiên, quan tâm hơn nữa để động viên họ.

Ông Sơn cho biết, với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ GD&ĐT đang tham mưu với Chính phủ thực hiện một số chính sách như: Đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên làm việc ở các điểm trường khó khăn.

Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học, bước đầu đã có sự thống nhất và đang phối hợp với các Bộ, ngành khác để chính sách sớm được triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ LĐTB&XH xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc để xem xét các vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu.

Đặc biệt, Bộ này đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý đến các chính sách đối với nhà giáo khó khăn vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

Bộ trưởng GD&ĐT cũng mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan chức năng quan tâm đến chính sách bảo hiểm. “Qua rà soát, hiện cả nước có hơn 16 nhóm trẻ độc lập, phần lớn giáo viên ở các nhóm trẻ này không được đóng bảo hiểm xã hội, nên rất mong có các giải pháp, chính sách quan tâm để bảo vệ quyền lợi giáo viên”, ông Sơn kiến nghị.

Xem xét đưa giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc ảnh 3

PGS.TS Phạm Thị Huyền

Tự chủ đại học: Thiếu đồng bộ, thống nhất

PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Marketing, trường Đại học Kinh tế quốc dân phản ánh, hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang từng bước thực hiện tự chủ theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Đây là một chủ trương đúng để khơi thông các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng, trong quá trình thực hiện, còn vướng mắc về cơ chế, chính sách do sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể đó là giữa Luật Giáo dục đại học với các luật: Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách.

Do vậy, nhiều nội dung, nhiệm vụ, các trường không thể triển khai được. “Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội tiến hành rà soát, sớm sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về thực hiện tự chủ đại học”, bà Huyền bày tỏ.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật 34/2018/QH14 đã được ban hành đây là bộ luật quan trọng

Trong thực tế luật đã đi vào cuộc sống, tạo ra tinh thần, khí thế mới được đón nhận ghi nhận hiệu quả bước đầu trong triển khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sơn cũng thừa nhận, còn một số điểm chồng chéo, mâu thuẫn.

Trước mắt với thẩm quyền của mình, Bộ GD&ĐT đang đề nghị sửa đổi Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật 34/2018/QH14 để tháo gỡ các vướng mắc, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi một số nội dung.

Đặc biệt, theo kế hoạch, Bộ đề xuất năm 2024 sẽ rà soát sửa đổi Luật 34/2018/QH14 để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, chồng chéo.

MỚI - NÓNG