Vì sao chấm dứt hợp đồng?
Ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ kết thúc hợp đồng dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Theo đó, Tổ công tác liên ngành do ông Huỳnh Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải làm tổ trưởng. Tổ phó gồm ông Mai Văn Hiệu - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thị Hồng Thủy - Phó giám đốc Sở Tài chính. Các tổ viên gồm ông Trần Hữu Minh Tùng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Văn Chơn - Phó chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm - Trưởng Phòng Nghiệp vụ 2 của Sở Tư pháp, ông Nguyễn Minh Duy - Trưởng Phòng Quản lý xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng, ông Nguyễn Đình Kiên - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, bà Huỳnh Thị Chơn - Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của Sở Giao thông vận tải.
Hạng mục đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự (dự án eKQ920) ở sân bay Phan Thiết đang được xây dựng. |
Tổ công tác liên ngành hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật hiện hành, các điều khoản của hợp đồng BOT đã ký kết để tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xem xét kết thúc hợp đồng dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch ngày 16/10/2013 với tính chất sân bay quân sự kết hợp dân dụng. Quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Về tiến độ, dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự (dự án eKQ920), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào ngày 18/3/2021, Bộ Quốc phòng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào ngày 18/4/2021. Hiện tại, dự án eKQ920 đang triển khai thi công xây dựng các hạng mục quân sự và đường cất hạ cánh.
Đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, do điều chỉnh quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020.
Hiện tại, nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT ở sân bay Phan Thiết là Tập đoàn Rạng Đông. Tuy nhiên, tại công văn số 9601/BTC-ĐT gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính đưa ra một số câu hỏi liên quan đến năng lực tài chính, khả năng huy động vốn phục vụ dự án của Tập đoàn Rạng Đông. Theo Bộ Tài chính, căn cứ nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh hơn 4.812 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 3.807 tỷ đồng và giai đoạn 2 hơn 1.005 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Rạng Đông đã thông qua nội dung điều chỉnh và phương án huy động vốn thực hiện dự án tại Quyết định số 81- QĐ/HĐQT-RĐ. Tại thời điểm ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Rạng Đông là hơn 4.692 tỷ đồng, lớn hơn vốn chủ sở hữu công ty dự kiến góp để thực hiện dự án nhưng vốn lưu động ròng thể hiện khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn hơn 530 tỷ đồng lại nhỏ hơn số vốn công ty cam kết góp.
UBND tỉnh Bình Thuận xem xét chấm dứt hợp đồng BOT với Tập đoàn Rạng Đông tại dự án sân bay Phan Thiết - hạng mục hàng không dân dụng. |
Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn của nhà đầu tư theo đúng phương án tài chính cam kết, bảo đảm việc triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hồi giữa tháng 8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông báo số 44/TB-BKHĐT về kết luận của Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT. Theo đó, có tới 10 nhóm vấn đề mà UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phải khẩn trương rà soát, giải trình. Trong đó, phương án tài chính và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư được lựa chọn - Tập đoàn Rạng Đông vẫn là những điểm e ngại nhất.
Ai sẽ thay thế?
Hiện tại, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trình Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định 2 lần.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong ai sẽ là chủ đầu tư hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT của sân bay Phan Thiết, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận - cho biết, trước khi điều chỉnh quy mô thì chủ đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông.
Sau khi điều chỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải rà soát, đánh giá lại kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư, từ đó xác định nhà đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông hay một doanh nghiệp khác.
Hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT ở sân bay Phan Thiết sẽ chậm tiến độ. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, do điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư dự án đối với hạng mục dân dụng (BOT) tăng từ 1.693 tỷ đồng lên hơn 4.812 tỷ đồng. Do đó, Hội đồng thẩm định Trung ương đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận thẩm định lại năng lực của nhà đầu tư, kèm theo đó là kinh nghiệm làm dự án sân bay của doanh nghiệp.
“Trên thực tế, kinh nghiệm làm BOT sân bay ở nước ta chỉ có Sun Group - đơn vị từng xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn. Bình Thuận tổ chức gặp mặt nhà đầu tư rồi, chỉ có lấn cấn ở chỗ, nhà đầu tư trước đây đã bỏ vốn ra xây dựng một số hạng mục ở sân bay Phan Thiết, bây giờ giải quyết như thế nào?”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự dự kiến ngày 30/9 sẽ xong. Sau khi khu sân bay quân sự hoàn thành, nếu hạng mục hàng không dân dụng chưa xong thì sẽ rất khó khai thác.
“Thủ tướng Chính phủ về làm việc với tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu, sau khi phần quân sự xong thì phần dân sự cũng phải xong để ráp vào khai thác. Tuy nhiên, nhìn vào tiến độ hiện tại, hạng mục hàng không dân dụng sẽ chậm hơn so phần quân sự và chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Minh nói.