Xem tranh của hai người đàn bà đa đoan

Xem tranh của hai người đàn bà đa đoan
TP - Họ đều là những người phụ nữ đa đoan. Võ Thị Hảo và Đỗ Thu Thủy (Thủy Vân) đều làm báo, viết văn, làm thơ..., riêng Võ Thị Hảo còn bỏ nghề làm báo đi làm Giám đốc Cty truyền thông - xuất bản sách.
Xem tranh của hai người đàn bà đa đoan ảnh 1 Xem tranh của hai người đàn bà đa đoan ảnh 2
Đỗ Thu Thủy Võ Thị Hảo

Và nay thì họ vẽ, và đem triển lãm (từ ngày 3/11, tại Việt art, 42 Yết Kiêu, Hà Nội). Tranh của họ, theo họ, đã bán được.

Mỗi người đến với hội họa theo một đường khác nhau, nhưng đều là đường... tắt. Hảo thích xem tranh, hay đi bảo tàng, nhưng - như chị ngượng nghịu tự thú: trước đây, tôi nghĩ mình vẽ con giun cũng không xong - rồi bỗng một hôm, đi qua trường Mỹ thuật Yết kiêu, thấy ở đó bán rất nhiều họa phẩm, chị mua và bắt đầu ngập vào đam mê vẽ. Hảo nói: Có những hôm tôi không ăn hoặc ăn... thịt xay, chỉ để vẽ. Đêm vẽ, dậy choàng mắt ra, vẽ. Như bị ám.

Đỗ Thu Thủy thì vẽ nhiều hơn, vẽ trước Hảo. Theo chị là từ hồi học phổ thông, chị đã say mê giúp thầy giáo sinh vật vẽ các bộ phận cơ thể người. Vẽ để, theo chị bộc bạch: Khi vẽ, tôi tránh được trầm cảm! Giản dị, thì ra vẽ cũng là cứu rỗi. Và như vậy, cũng đáng bỏ tiền ra mua sơn, toan, cọ và vẽ bởi vẽ đã là mục đích.

Nhưng, “trời hay chiều tay mới”, trong một cuộc đấu giá, tranh của chị đã có khách nước ngoài mua. Họ là một đôi vợ chồng, có thể là khách du lịch. Nhưng vậy là đủ tự tin.

Thủy còn cho biết tranh của chị, có người đã mách “bị chép bán ngoài đường rồi!”. Không biết thật hay hư nhưng cũng có lý, vì một số tranh của Thủy có tính trang trí cao.

Võ Thị Hảo cũng không kém cạnh với bạn. Mới vẽ vài tháng, nhưng đã có họa sĩ bảo chị, bức “Bản giao hưởng” chị không nên bán dưới 50 triệu, còn bức “Những con mắt” thì chị không nên bán dưới 4.000 USD! Có lẽ phải chờ, vì chưa có người mua trả mức giá đó.

Hảo lấy tên triển lãm của mình là “Đường chân trời”, chị gửi gắm vào đó ý niệm: chân trời là cái mà ta tưởng nó có, nhưng khi đến với nó, thì giới hạn càng lùi xa. Chị muốn con người đừng tự bó buộc mình, hãy cứ sống, yêu và sáng tạo.

Thủy thì lấy tên có vẻ gần gũi hơn, nhưng ma mị hơn: “Đàn bà”. Chị lý giải: Tôi thương tất cả những người đàn bà. Hỏi chị “Có ghét đàn ông không?” - chị không trả lời, chỉ cười một nụ cười “giận thì giận mà thương càng thương”.

Trước đám đông, Đỗ Thu Thủy rụt rè hơn Võ Thị Hảo, nói đúng, đó là một âm bản của Hảo. Hảo hùng biện, logic bao nhiêu thì Thủy khó khăn trong diễn đạt bấy nhiêu. Tuy nhiên, họ đều vốn là nhà văn, nên cái tính làm văn không bỏ được, vẫn cứ lộ ra trong tranh, trước tiên ở những cái tên tranh.

Với Võ Thị Hảo thì: “Bản giao hưởng”, “Bất tử”, “Chiến mã trở về”, “Gió hoàng hôn”, “Hội ngộ”... Đỗ Thu Thủy thì ngắn gọn hơn nhưng không kém phần mơ mộng “Mộng”, “Muộn”, “Xa”, “Nghiêng”, “Liệng”...

Đây là những ý niệm không thể thiếu khi sáng tạo hội họa, nhưng không thể và không nên sa đà vào cụ thể như văn, nhất là văn xuôi.

Xem tranh của hai người đàn bà đa đoan ảnh 3
Bức tranh “Bản giao hưởng” của Võ Thị Hảo

Võ Thị Hảo mới vẽ, còn đang say và chưa biết sợ, chị vẽ không cần giống, nhưng đó chính là cái khiến tranh chị “bay” với màu sắc đầy cảm xúc hoang dại, lắm khi ma quái.

Đỗ Thu thủy vẽ “nghề” hơn, khiến tranh của chị dễ xem hơn, nhưng đây lại là nhược điểm. Ngoài đời, chị thân với nhà văn Nguyễn Khắc Phục, một người cũng mới “đổ đốn” ra vẽ. Có thể nhận ra một số cách biểu hiện tương đồng, chưa hiểu ai bị ảnh hưởng của ai.

Nói về tranh của Võ Thị Hảo, họa sĩ Lê Thiết Cương: bảng màu của chị là bảng mầu hiếm (mầu không mầu), nó khó đẹp, khó vẽ, khó xem nhưng khó quên.

Anh cũng bày tỏ, xem tranh của Hảo bỗng mong muốn trở nên không biết vẽ, để không còn những lo lắng về nghề, để được tự do như chị. Cái tự do, theo Lê Thiết Cương, đi từ bản thể, do đó, có thể “nói ngọng” - nhưng vẫn hay!

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thì dành cho Đỗ Thu Thủy những lời như chia sẻ: Thủy đã trải lòng mình lên những mầu mảng hình khối. Dường như làm thơ không đủ với chị, chị muốn ngay lập tức với mầu và hình dàn trải, sắp xếp những gì lắng sâu trong tâm hồn mình. Chị là người đàn bà cô đơn! Người đàn bà thắc mắc đi tìm! Người đàn bà hy vọng có cánh.

Họ đều muốn bay lên, và một lần nữa, sau thơ, hội họa lại chắp cánh cho họ. Đường chân trời còn xa.

MỚI - NÓNG