Tại di tích tháp Đôi (TP. Quy Nhơn), chương trình nghệ thuật được biểu diễn trong các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Bảy và Chủ nhật hằng tuần.
Còn tại di tích tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) sẽ diễn ra vào các ngày thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần, buổi sáng từ 8h30-10h30 và buổi chiều từ 15h-18h, gồm các tiết mục như múa, hát, biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm, trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm,…
Sau lễ khai mạc, Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận đã đem đến cho người xem các tiết mục hòa tấu nhạc cụ Chăm, múa, hát dân ca Chăm và trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm.
Chị Nguyễn Thị Ngoan (34 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ lần đầu đến Bình Định, chị cảm thấy thích thú với cảnh sắc, con người nơi đây. Đặc biệt, rất ấn tượng khi được thưởng thức màn biểu diễn nghệ văn hóa dân gian Chăm.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân Chăm biểu diễn tại di tích tháp Đôi. Ảnh: Trương Định. |
Đại diện đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết người Chăm là cộng đồng sinh sống lâu đời ở miền Trung, theo chế độ mẫu hệ, trong đó người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống.
Người Chăm từng tạo ra nền văn hóa rực rỡ, ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Ấn Độ. Nét đặc sắc của văn hóa Chăm thể hiện qua kiến trúc đền tháp kỳ vĩ, nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc.
Người dân, du khách theo dõi, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật văn hóa Chăm bên tháp Đôi. |
Hòa tấu nhạc cụ Chăm và trình diễn nghệ thuật làm gốm. Ảnh: Trương Định. |
Bình Định là vùng đất kinh đô của vương quốc Chămpa, với hệ thống di tích tháp Chăm dày đặc, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc độc đáo; là nguồn tài nguyên du lịch, di sản mang đặc trưng phong cách vùng miền. Do vậy, việc kết nối du lịch với di tích tháp Chăm là việc làm cần thiết.
Tọa lạc ngay TP. Quy Nhơn, tháp Đôi đúng như tên gọi của di tích, hiện có 2 ngôi tháp đứng song đôi. Nhìn vào, ngôi tháp phía Bắc (gần 22 m) cao hơn ngôi tháp phía Nam (17 m).
Di tích tháp Đôi. Ảnh: Trương Định. |
Tháp Bánh Ít nằm trên một quả đồi cao hơn 100 m ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách trung tâm TP. Quy Nhơn khoảng 18 km, là cụm có nhiều tháp nhất với 4 kiến trúc, gồm tháp Cổng, tháp Bia, tháp Hỏa và tháp Chính.
Di tích tháp Bánh Ít. Ảnh: Dũng Nhân. |
Tháp Đôi, tháp Bánh Ít, là 2 trong 8 cụm tháp Chăm còn lại ở Bình Định, có niên đại gần cả nghìn năm, hiện là điểm đến hấp dẫn du khách trong và quốc tế.