Khai quật di tích tháp cổ Chăm Pa 1.000 năm tuổi tại Huế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công tác thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc - ngôi tháp Chăm Pa khoảng 1.000 năm tuổi tại TT-Huế, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì, kéo dài đến đầu tháng 7.

Ngày 24/4, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh TT-Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành lễ động thổ thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc tại vùng Bàu Tháp, phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà).

Khai quật di tích tháp cổ Chăm Pa 1.000 năm tuổi tại Huế ảnh 1

Đại diện chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia khảo cổ học có mặt tại di tích chuẩn bị cho công tác thăm dò, khảo cổ học.

Việc thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc do ông Nguyễn Ngọc Chất (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) chủ trì, kéo dài đến đầu tháng 7. Trong đó, diện tích thăm dò rộng 20 m2 (4 hố), diện tích khai quật 60 m2 (3 hố).

Theo quyết định của Bộ VH-TT&DL, quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản Văn hóa.

Khai quật di tích tháp cổ Chăm Pa 1.000 năm tuổi tại Huế ảnh 2

Di tích tháp đôi Liễu Cốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử, Sở VHTT TT-Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, tránh để hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Sở VHTT tỉnh và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ VH-TT&DL.

Khai quật di tích tháp cổ Chăm Pa 1.000 năm tuổi tại Huế ảnh 3

Thực hiện nghi thức động thổ thăm dò, khảo cổ học di tích tháp đôi Liễu Cốc. Ảnh: N.Minh.

Trước khi công bố kết quả của đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi, thống nhất với Cục Di sản Văn hóa.

Theo các nghiên cứu, tháp đôi Liễu Cốc là một công trình đặc trưng của văn hóa Chăm Pa, ước khoảng 1.000 năm tuổi, từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ xếp vào hạng những di tích giá trị trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương.

Di tích là hai ngôi tháp của người Chăm nằm cách nhau 2,80 m, thường được gọi là tháp lớn và tháp nhỏ, trên 2 trục song song hướng Đông - Tây.

Khai quật di tích tháp cổ Chăm Pa 1.000 năm tuổi tại Huế ảnh 4

Công tác khảo cổ sẽ kéo dài đến tháng 7.

Theo truyền thuyết, vùng tháp cổ đó do Bà Chúa Tháp cai trị, rất linh thiêng. Cạnh tháp có một ngôi miếu xây dựng từ thời vua Thành Thái triều Nguyễn. Tháp Đôi Liễu Cốc được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào tháng 7/1994.

Theo thời gian, do không được trùng tu, tôn tạo cũng như có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị, cả hai ngôi tháp đứng trước nguy cơ trở thành “phế tích”.

MỚI - NÓNG