Thầy Thịnh cùng các học trò nghiên cứu sáng chế xe lăn thông minh - Ảnh: Kim Hà.
Sản phẩm nói trên do 2 em Nguyễn Quốc Thông (lớp 11A2) và Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc (lớp 10A2) sáng tạo nên. Khác với những chiếc xe lăn thông thường, xe lăn thông minh do 2 “nhà sáng chế” nhỏ tuổi sáng tạo có thể biến đổi công năng thành giường nằm và ngược lại, tự động di chuyển theo ý muốn của người sử dụng chỉ bằng một vài thao tác nhỏ từ chiếc smartphone, thiết bị đeo tay hoặc bằng giọng nói.
Ngọc chia sẻ: “Sản phẩm của chúng em có thể sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng như người già yếu, người khuyết tật gặp khó khăn trong việc vận động, hoặc nhóm đối tượng không biết đọc chữ, khuyết tật bàn tay,... có thể dùng với cách điều khiển bằng cử, giọng nói. Sắp tới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để sản phẩm của mình có thể ứng dụng cao trong đời sống”.
Để sáng chế được thành công, Thông và Ngọc đã lên ý tưởng lập trình phần mềm trên Smartphone với ứng dụng RemoteWheelChairs có thể điều khiển tốc độ di chuyển của xe; điều chỉnh chế độ nằm, ngồi theo ý muốn. Đối với những người bị khuyết tật ở tay hay người già không thể sử dụng điện thoại thông minh thì các em còn sáng tạo thêm thiết bị giống như một chiếc đồng hồ đeo tay, điều khiển bằng cử chỉ giơ tay để xe hoạt động theo ý muốn.
Tương tự, người dùng còn có thể “ra lệnh” cho xe lăn ở các chế độ tiến, lùi, nằm,... theo ý của mình với phần mềm điều khiển bằng giọng nói gắn trên chiếc mũ bảo hiểm có micro và được kết nối Bluetooth giữa thiết bị điều khiển từ xa với thiết bị xử lý trong xe.
Thiết bị điều khiển bằng giọng nói được lắp đặt trên mũ bảo hiểm - Ảnh" Kim Hà.
Về phần cứng, được thiết kế là một chiếc xe lăn khung sắt được phủ nệm, bên trong có gắn thiết bị xử lý trung tâm để nhận tín hiệu điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe còn được trang bị đèn báo, đèn leb hỗ trợ di chuyển trong bóng tối, còi báo động,...
Đồng sáng chế, em Nguyễn Quốc Thông cho biết, để chế tạo thành công sản phẩm nhóm cũng gặp phải không ít khó khăn, từ việc thiết kế phần cứng cho đến phần mềm. “Đối với em khó là ở việc thiết kế làm phần cứu là khung xe. Còn về phần mềm, đối với một học sinh cấp III, đã được học lập trình, việc viết phần mềm trên mạng cũng hướng dẫn khá nhiều, nên em tự mày mò và tự học được” – Thông nói.
Với các chức năng tiến, lùi, qua phải, qua trái, nằm, ngồi,... người dùng đặc biệt là những già đi lại khó khăn hoặc bệnh nhân không có người chăm sóc hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Bởi xe có độ chống xốc cao, đạt 10km/h và có thể di chuyển trên quãng đường hơn 1km. Hiện sản phẩm đã được ứng dụng thử nghiệm tại bệnh viện Đa Khoa huyện Phong Điền (Cần Thơ) và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Trao đổi với Tiền Phong, thầy Nguyễn Phúc Thịnh – Giáo viên trường THPT Phan Văn Trị, người hướng dẫn các em học sinh thực hiện sản phẩm thông tin: “Khi các em trình bày ý tưởng “Xe lăn - giường nằm điều khiển bằng smartphone, giọng nói và cử chỉ hỗ trợ người già, người bệnh, người khuyết tật”, thấy rất nhân văn thiết thực nên tôi đã hỗ trợ khung chương trình, tài liệu cho các em tự nghiên cứu, tự học. Sau đó, nhóm trình bày bản vẽ, tôi cũng hướng dẫn các em chỉnh sửa, góp ý xây dựng các app, thiết kế khung. Khi sản phẩm hoàn thiện, chúng tôi đã đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền (Cần Thơ), để người bệnh, người già tại đây sử dụng. Qua thử nghiệm, phản hồi của người dùng rất tích cực, họ thấy sản phẩm giúp ích được cho người bệnh và người già rất tiện lợi.”
Ông Lý Văn Trọng (76 tuổi, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) nhận xét: “Tôi bị đau khớp gối, gout chân đi lại khó khăn. Khi dùng thử tôi thấy chiếc xe lăn này di chuyển tới lui rất tiện lợi, đối với người khuyết tật, già yếu. Tôi thấy xe này dễ sử dụng, an toàn, chỉ bấm nút trên điện thoại, hoặc lắc tay tới lui chứ không cần dùng sức lắc như các xe khác. Xe còn nghiêng qua lại, nằm ngồi được thoải mái, có thể bấm ngã ra nằm nghỉ trên quãng đường di chuyển xa . Những người già yếu, bệnh như chúng tôi thấy rất thích thú chiếc xe này”.