Bí thứ đảng ủy, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường:

Xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo

Trạm trung chuyển xe bus Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trạm trung chuyển xe bus Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Xe buýt Hà Nội sẽ phát triển ra sao trong thời gian tới khi mà tình trạng “ra đường gặp ùn tắc” diễn ra ngày một phổ biến. Liệu xe buýt có giành lại thế thượng phong trong cuộc chiến không cân sức với phương tiện cá nhân...? Ông Nguyễn Phi Thường, Bí thư đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã thẳng thắn chỉ ra những rào cản và cách thức vượt qua những khó khăn của xe buýt Hà Nội thời gian tới.

Vượt qua rào cản

Thưa ông, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, đâu là những kết quả quan trọng cũng như những bài học rút ra trong việc phát triển xe buýt tại thủ đô?

5 năm qua xe buýt Transerco đã có bước chuyển tích cực cả về sản lượng hành khách,  chiếm 88% thị phần công cộng Hà Nội và chất lượng dịch vụ được nâng cao rõ rệt. Ðoàn phương tiện liên tục được đổi mới với những thế hệ xe hiện đại,  tiện nghi; xe chạy đúng giờ; thái độ phục vụ hòa nhã văn minh lên nhiều... Trong sự phát triển của thủ đô, xe buýt từng ngày thể hiện tốt vai trò là phương tiện chuyên chở hành khách hữu dụng và thuận tiện.Ðáng ghi nhận là hình ảnh xe buýt Thủ đô với cánh chim hòa bình đã trở nên thân quen, ghi sâu trong tâm trí người dân thủ đô Hà Nội. Và qua đó cũng làm nổi bật thành tựu của xe buýt đã góp phần định hình nên một nếp sống văn minh đô thị.  Với vai trò của mình, xe buýt còn góp phần hiện thực hóa các giải pháp chống ùn tắc và TNGT tại thủ đô.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, theo tôi bài học lớn đó là đơn vị luôn tranh thủ được  sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, các sở ban ngành; sự đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tổng công ty, đặc biệt là sự ủng hộ của hành khách.  Ðây  chính là những tài sản vô giá mà Transerco phải phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Hai yếu tố được coi là trở ngại nhất trong phát triển xe buýt hiện nay là “hạ tầng yếu kém” và “ phương tiện cá nhân phát triển ồ ạt”, theo ông cánh cửa phát triển có còn mở ra với xe buýt thủ đô?

“Xe buýt đang phải vùng vẫy trong biển xe cá nhân và đó là khó khăn lớn nhất hiện nay trong phát triển buýt”.  

Ông Nguyễn Phi Thường

Nếu nói hai trở ngại thì cũng đúng và chúng có quan hệ  nhân - quả khá rõ nét. Ðường sá chật hẹp, gây ùn tắc, xe buýt khó vùng vẫy trong biển phương tiện cá nhân vì vậy nhiều khách hàng không sử dụng xe buýt quay lại đi phương tiện cá nhân. Hạ tầng đã yếu kém nay lại tăng đột biến xe cá nhân vậy là tắc đường lại hoàn tắc và ngày một trầm trọng thêm. Nếu chúng ta không giải quyết tốt hai mặt của một vấn đề thì xe buýt quả thực không còn “cửa” để phát triển. Dù vậy, tôi tin rằng, bức tranh giao thông hiện nay là căn cứ, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận và đưa ra những chính sách phù hợp nhất đối với câu chuyện chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và định vị lại vai trò của vận tải công cộng - xe buýt trong bức tranh đó.

Ông tin vào dư địa nào để xe buýt “nhích” lên, nếu chính sách và quá trình hiện thực hóa các ưu tiên với xe buýt không được điều chỉnh kịp thời. Liệu có chuyện “hi sinh” xe buýt  để ưu tiên phương tiện cá nhân?

Xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo ảnh 1 Ông Nguyễn Phi Thường, Bí thư đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.
Tôi cho rằng cái khó có thể là nhất thời và cũng là giai đoạn quá độ để chúng ta cùng tĩnh tâm nhìn nhận lại và đưa ra những chính sách mới hữu hiệu. Trong cái khó sẽ ló cái khôn. Dư địa để xe buýt phát triển là rất lớn thể hiện rằng vận tải công cộng nếu phát triển tốt sẽ đáp ứng đến 40-50% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi xe buýt mới tiến đến ngưỡng 15%.

Hà Nội còn nhiều huyện chưa có xe buýt kết nối, mà theo quy hoạch nhiều địa phương sẽ trở thành đô thị vệ tinh và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Nhu cầu giao thương đi lại nội - ngoại thành ngày một lớn. Vậy thì xe buýt phải đón đầu được xu thế đó để tăng cường vùng phục vụ và cũng chính là một cách thiết thực hạn chế phương tiện cá nhân từ những nơi chưa là đô thị và giúp chống ùn tắc giao thông cho nội thành.

“Phủ sóng” ngoại thành, chống ùn tắc từ xa

Ý tưởng về việc đưa xe buýt ra ngoại thành để chống ùn tắc cho nội thành có vẻ như hơi xa vời?

Thực tế lo phương tiện đi lại cho người dân ngoại thành khi vào nội thành chính là ngăn ngừa từ xa ùn tắc cho nội thành. Hiện có hàng chục vạn người ra vào nội thành làm việc, học tập. Nếu họ sử dụng xe buýt có nghĩa là sẽ giảm hàng chục vạn phương tiện cá nhân vào nội thành, nội đô sẽ bớt áp lực đáng kể.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng Công ty sẽ xây dựng kế hoạch mở nhiều tuyến buýt mới nối trung tâm Hà Nội đến các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Ðức, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thường Tín, Sơn Tây, Phúc Thọ... Với cách làm này, chúng tôi hi vọng một mặt sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội các địa phương, giúp ngăn ngừa ùn tắc từ xa cho trung tâm và cũng là cách để xe buýt phát triển.

Ngoài mở rộng địa bàn, xe buýt Hà Nội có giải pháp nào níu chân hành khách và tiếp tục mở rộng thị trường ngay tại nội đô?

Bên cạnh những nhóm dịch vụ mà chúng tôi đã duy trì tốt, sắp tới chất lượng dịch vụ sẽ tiếp tục được nâng lên rõ rệt, diện mạo xe buýt thay đổi đáng kể. Cụ thể, được phép của thành phố Transerco sẽ đầu tư mới, nâng cấp toàn bộ hệ thống khoảng 2.000 nhà chờ, các điểm trung chuyển, điểm đầu cuối ( hiện mới có 386 nhà chờ trên tổng số 2.000 điểm dừng). Khi đó hành khách sẽ không phải đội nắng, mưa đón xe buýt, thông tin điện tử đầy đủ...văn minh xe buýt sẽ được hiện thực hóa. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ ứng dụng công nghệ thẻ thông minh để hành khách sử dụng tiện ích nhất. Ðặc biệt, trong hai năm tới xe buýt sẽ tiếp cận nhiều  khu đô thị mới mà hiện nay vẫn “trắng xe buýt”. Trước mắt, các tuyến buýt gom sẽ được kết nối các khu đô thị lớn như: Khu vực Linh Ðàm; Văn Phú; Cầu Giấy; Mễ Trì, Mỹ Ðình...Với nhiều giải pháp như vậy lại được sự đồng thuận giúp đỡ của các cấp chính quyền, chắc chắn xe buýt sẽ tiếp tục phát triển mạnh và giữ vai trò chủ đạo trong vận tải công cộng tại Thủ đô thời gian tới.

Mới đây lại một lần nữa ý kiến về việc hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội được nêu ra, liệu đây có phải là cơ hội mới cho xe buýt?

Theo tôi đây là chủ trương đúng và cần thực hiện có lộ trình.Tính trung  bình mỗi tháng Hà Nội có khoảng 20.000 xe máy và 7.000 ô tô đăng ký mới. Trong khi đó mấy năm lại đây xe buýt chỉ dao động quanh con số 1.000 xe. Xe buýt đang phải “ bơi” trong biển xe cá nhân và đó là khó khăn lớn nhất hiện nay trong phát triển buýt. Dù vậy thì chính sách đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó người làm chính sách phải coi trọng sự lựa chọn của người dân. Ðể làm được điều này thì vận tải công cộng trong đó có xe buýt phải đi tiên phong và trả lời câu hỏi: có thuận lợi, an toàn, tiết kiệm... hơn xe cá nhân hay không? Khi các chính sách ban hành ra giúp xe buýt trả lời được các câu hỏi trên hẳn là người dân sẽ lựa chọn xe buýt, vận tải công cộng. Tôi nói ví dụ thế này, xe buýt mới, tiện nghi thì phải có chính sách đầu tư phương tiện; đường sá ùn tắc phải có chính sách ưu tiên để xe buýt đi nhanh hơn, tới đích đúng giờ hơn phương tiện cá nhân, rồi vé xe buýt rẻ hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách “ làm khó” đối với phương tiện cá nhân như hạn chế xe cá nhân ở một số tuyến phố trung tâm, tuyến đường vào một khoảng thời gian nhất định trong tuần, trong ngày, hay chính sách thuế, phí  “đánh” vào xe cá nhân...

Trân trọng cảm ơn ông! 

Tổng Công ty vận tải Hà Nội hiện có trên 1.000 xe buýt, hoạt động trên 50 tuyến. Sản lược hành khách năm 2015 đạt gần 400 triệu lượt hành khách; chiếm 88% thị phần vận tải công công cộng bằng xe buýt toàn thành phố.       

Nguồn TCT

MỚI - NÓNG