Xe buýt xóa khoảng cách
Vốn là những địa danh “trắng” các loại hình xe chở khách như taxi, xe buýt, trước đây việc đi lại của người dân tại các vùng ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… với trung tâm Hà Nội chủ yếu thông qua những chiếc xe khách bụi bặm, ồn ào. Vậy nhưng hơn hai năm trở lại đây, các khu vực trên, xe buýt đã đi lại nhộn nhịp, người dân, không còn phải thức dậy từ tờ mờ sáng để kịp đón những chuyến xe khách chạy về nội đô. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, với 91 tuyến buýt hiện có, trên địa bàn Hà Nội hiện nay ở bất kỳ khu vực nào có đường quốc lộ, tỉnh lộ mà ô tô đi được là xe buýt xuất hiện. “Sau một thời gian phát triển trong khu vực nội thành, những năm qua thành phố đã ưu tiên phát triển các xe buýt ở khu vực ngoại ô. Có thể khẳng định, đến nay trong 29 quận huyện, thị xã của Hà Nội hiện có, không còn địa phương nào trắng xe buýt thành phố”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, sau nhiều năm phát triển trong khu vực nội đô, xe buýt gần như đã ổn định về lượng khách hàng, tuy nhiên bắt đầu từ năm 2008 đến nay, khi thành phố có chủ trương phủ mạng lưới xe buýt ra khu vực ngoại thành, lượng hành khách và tuyến không ngừng gia tăng. Cụ thể, nếu năm 2008 toàn thành phố có 76 tuyến với 404 triệu hành khách, thì đến nay mạng lưới xe buýt thành phố đã có 91 tuyến với khoảng 700 triệu lượt hành khách.
Hiện có khoảng 700 triệu lượt hành khách Thủ đô đi xe buýt mỗi năm. Ảnh: Anh Trọng
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị đang chiếm trên 90% thị phần xe buýt tại Hà Nội cũng cho biết, nhờ có xe buýt phát triển nên thay vì đi xe đạp, xe máy như hơn 10 năm trước, hiện phần lớn học sinh, sinh viên đến trường hằng ngày đã chuyển sang đi xe buýt; cùng với đó xe buýt cũng đang trở thành loại hình phương tiện được số đông một bộ phận công sở lựa chọn. Nói về kế hoạch phát triển xe buýt thời gian tới, ông Triều cho hay, với phương châm tăng sự lưu thông, kết nối cho giao thông Thủ đô, không chỉ vươn đến các huyện ngoại thành mà hiện nay xe buýt của Transerco còn chạy đến các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam… Riêng trong năm 2015, Tổng Công ty đã chủ động phối hợp với Sở GTVT Hà Nội rà soát và điều chỉnh lại biểu đồ hoạt động của 27 tuyến, mở rộng vùng phục vụ của bốn tuyến buýt chạy đến các khu vực ngoại thành như nhà ga T2 (sân bay Nội Bài), huyện Đan Phượng… “Sự phát triển của xe buýt trong 10 năm qua có thể xem là một trong những thành tích nổi bật nhất của ngành giao thông vận tải Thủ đô”, lãnh đạo Transerco đánh giá.
Xe buýt vẫn là trọng tâm
Theo tiến độ, trong hai năm tới Hà Nội sẽ có thêm đường sắt đô thị, nhưng trong “Mục tiêu, kế hoạch giảm thiểu ùn tắc giao thông Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, thành phố Hà Nội xác định xe buýt vẫn là loại hình trọng tâm trong phát triển VTHKCC. Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, nội dung này đã được HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 03. Để triển khai Nghị quyết này, UBND thành phố đã có chương trình, mục tiêu phát triển giao thông Thủ đô cụ thể. Với xe buýt, thời gian vừa qua, mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội không ngừng được đầu tư, mở rộng. Nếu năm 2008 toàn thành phố có 76 tuyến buýt với 404 triệu lượt hành khách thì nay con số này đã là 91 tuyến với 700 triệu lượt hành khách. “Hàng năm mạng lưới tuyến luôn được điều chỉnh hợp lý hóa, cải thiện điều kiện vận hành, mở rộng vùng phục vụ, đặc biệt là tới các khu vực ngoại thành như Mê Linh, Mỹ Đức, Ba Vì… Chất lượng xe buýt cũng không ngừng được nâng cao, công tác đảm bảo an tinh trật tự an toàn cho hành khách luôn được quan tâm, chú trọng” đại diện UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Ảnh: Anh Trọng
Để phát triển được xe buýt, theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, hạ tầng cũng có tính quyết định. Do vậy, sau 10 năm đẩy mạnh phát triển, đến nay hạ tầng xe buýt Thủ đô được thành phố đầu tư, phát triển với 2.197 điểm dừng đỗ, 400 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 80 điểm đầu mối và hai làn đường dành riêng… Công tác quản lý điều hành giao thông từng bước hiện đại hóa với việc thí điểm hệ thống thẻ thông minh (Smart card), tổ chức quản lý bằng thiết bị giám sát hành trình GPS… Các doanh nghiệp, trong đó đi đầu là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã từng bước đổi mới cơ cấu đoàn phương tiện, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của xe buýt.
Trong hai năm tới, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, VTHK CC thành phố sẽ có chuyển biến lớn khi có thêm các loại hình vận tải cũng đồng hành với xe buýt như xe buýt nhanh (BRT) chạy tuyến Kim Mã đến - bến xe Yên Nghĩa, đường sắt đô thị, chạy tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông.
Xe buýt Thủ đô hiện có 91 tuyến, năm 2015 dự kiến vận chuyển được 700 triệu lượt hành khách. Sau hơn 10 năm phát triển, đến nay hạ tầng xe buýt Thủ đô có 2.197 điểm dừng đỗ, 400 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 80 điểm đầu mối và hai làn đường dành riêng là đường Nguyễn Trãi và Yên Phụ. Trong hai năm tới, VTHKCC Hà Nội sẽ có thêm các loại hình vận tải bổ sung cho xe buýt như xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị.