Đội nắng, dầm mưa cùng… xe buýt

Trạm dừng cầu Trắng (xa lộ Hà Nội) không có mái che, hành khách phải tránh trú mưa nắng dưới tán cây.
Trạm dừng cầu Trắng (xa lộ Hà Nội) không có mái che, hành khách phải tránh trú mưa nắng dưới tán cây.
TP - Nhiều hành khách ở thành phố Hồ Chí Minh phàn nàn về sự thiếu hụt hệ thống nhà chờ, trạm dừng có mái che khiến các thượng đế đi xe buýt nhọc nhằn như… đi đày.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống xe buýt đưa đón 153 triệu lượt hành khách, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014.

Đồng không, nhà trống

17 giờ 30 chiều 23/10, từ ngã tư MK (quận 9), chúng tôi đón chiếc xe buýt mã số 55 chạy tuyến Khu công nghệ cao (quận 9) – Công viên phần mềm Quang Trung (quận 9). Mưa trắng xóa. Dưới những nhà chờ dọc xa lộ Hà Nội, hành khách ngồi co ro. Mái ngắn ngủn không che được những giọt nước từ trên cao quất mạnh vào người.

Trạm dừng cầu Đen (quận 2) chỉ có biển báo và vài vạch sơn kẻ trên mặt đường, không có nhà chờ, mái che, sau lưng là công trường xây dựng metro nên hành khách phải dầm mưa chờ đợi. Xe vừa đến, cả bảy người đồng loạt trèo lên, trong đó có 5 người lẽ ra phải đi các xe buýt có mã số 104, 56, 150 nhưng vì mưa to, chờ xe quá lâu nên phải đi xe 55 đến trạm D2 (quận Bình Thạnh) có mái che để trú mưa và tiếp tục chờ xe đi tuyến phù hợp.

Bà Hà (65 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, quận 2), lên xe cùng với chúng tôi, quyết định không xuống trạm cầu Đen. “Không có nhà chờ, mưa lớn như vầy mà lội xuống thì ướt như chuột. Thà chấp nhận đi lố vài trạm, khi tạnh mưa thì đón xe quay ngược trở lại. Trai tráng dầm mưa còn bệnh, huống chi người già như tui. Nói thiệt, kẹt lắm tôi mới đi xe buýt. Cực khổ như đi đày. Giá như mấy ổng lắp cái nhà chờ có mái che thì hay biết mấy” – bà Hà nói. 

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (Trung tâm), TPHCM hiện có hơn 4.000 vị trí trạm dừng, nhà chờ, trong đó chỉ có gần 500 nhà chờ xe buýt (có mái che), chiếm khoảng 10%. Số còn lại là trụ dừng, điểm dừng đỗ không có trụ dừng và biển treo chỉ có vạch sơn dưới lòng đường, điểm chung là các thượng đế phải đội nắng, dầm mưa “cùng buýt”.

Nhiều trụ dừng, trạm đỗ lắp đặt ở ngoại ô, nhà dân thưa thớt nên không có mái hiên tránh, trú tạm. Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, hạ tầng giao thông dành cho xe buýt còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. Đường nhỏ nhưng TPHCM đầu tư loại xe lớn. Hệ thống trạm dừng, nhà chờ vừa thiếu vừa yếu, mạng lưới kết nối không thuận lợi nên không thu hút khách đi lại bằng xe buýt.

“Cùng buýt” ngày càng giảm       

Theo Sở GTVT, trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TPHCM đạt 270 triệu lượt hành khách, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xe buýt đạt 153 triệu lượt hành khách, giảm 13%. Xe buýt có trợ giá đạt gần 3,1 triệu chuyến, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 2 chuyến/ngày (giảm 0,1%), bình quân gần 40 hành khách/chuyến, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Dự kiến, tổng kinh phí trợ giá xe buýt năm 2015 sẽ hơn 1.000 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo vừa qua, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Lê Hoàng Minh thừa nhận mục tiêu hành khách sử dụng vận tải hành khách công cộng chiếm 15% nhu cầu đi lại trong năm 2015 đang nằm ngoài tầm tay. Hiện Sở GTVT đề ra hết năm nay đạt được 600 triệu lượt hành khách, đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu.

Vì sao hành khách đi xe buýt ngày càng giảm? Theo ông Minh, đầu năm có nhiều ngày nghỉ lễ, tết so với các năm trước, người dân đi du lịch và về quê tăng cao, nên lượng khách đi xe buýt giảm. Trong năm 2015, chỉ còn 171 trường học sử dụng dịch vụ đưa rước học sinh, giảm 70 trường so với năm trước. Dịch vụ xe buýt đưa đón công nhân các nhà máy, xí nghiệp cũng giảm. Việc phân luồng giao thông, đường hai chiều thành một chiều, ngăn đường thi công các dự án ảnh hưởng đến sản lượng hành khách.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, nhiều chuyên gia cho rằng người dân ngày càng ngán ngẩm bởi chất lượng phục vụ của hệ thống xe buýt TPHCM chưa đáp ứng kỳ vọng. Phương tiện ngày càng rệu rã. Nội thất xuống cấp. Nhà chờ, trạm dừng bất tiện, nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh. Nhiều tuyến xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, kẻ xấu trà trộn móc túi, trộm cắp, quấy rối tình dục vẫn diễn ra. Thái độ phục vụ của một số lái xe và tiếp viên không lịch sự...

Theo Phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT, 14,5% chất lượng xe chưa đạt yêu cầu; 10,1% thiếu an toàn khi đi xe; phóng nhanh vượt ẩu, dừng đậu không đúng trạm…

Theo kết quả khảo sát hơn 7.000 ý kiến của hành khách đi xe buýt của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, hơn 8,5% ý kiến cho rằng lái xe, nhân viên phục vụ có thái độ phân biệt đối xử với hành khách; gần 24% ý kiến phàn nàn xe buýt bỏ trạm không đón khách và gần 20% ý kiến phàn nàn lái xe, tiếp viên văn hóa ứng xử kém.

MỚI - NÓNG