Hà Nội muốn giảm 50% lưu lượng xe buýt để chống ùn tắc

Theo các chuyên gia, công trường thi công chậm gây ùn tắc chứ không phải xe buýt. Ảnh: Anh Trọng.
Theo các chuyên gia, công trường thi công chậm gây ùn tắc chứ không phải xe buýt. Ảnh: Anh Trọng.
TPO - Đặt mục tiêu là loại hình giao thông duy nhất để người dân từng bước bỏ xe cá nhân, tránh quá tải cho giao thông nhưng trước việc ùn tắc kéo dài trên nhiều tuyến phố có công trường thi công, Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra phương án giảm trên 50% lưu lượng xe buýt tại đây.

Đánh giá về tình trạng ùn tắc kéo dài trên các trục đường chính như Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung (Hà Đông), Xuân Thủy – Cầu Giấy – Hồ Tùng Mậu… thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, xe buýt hoạt động với mật độ cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. Do vậy, những ngày tới, Sở GTVT sẽ điều chỉnh luồng tuyến, cắt giảm tần suất hoạt động một số tuyến buýt nhằm hạn chế lưu thông qua các tuyến đường trên.

Cụ thể, trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung, hiện đang các hàng rào của các công trình thi công như đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Hầm chui Thanh Xuân với 9 tuyến buýt hoạt động. Trên các tuyến đường này hiện cứ 5 phút là có một lượt buýt đi qua nên mật độ xe buýt khá dày đặc.  

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, theo phương án đã xây dựng, với những đoạn tuyến có nguy cơ ùn tắc cao Sở GTVT sẽ chuyển một số chuyến xe buýt đi theo hướng khác. Thực tế Sở GTVT đã điều chỉnh tần suất của 3 chuyến và điều chỉnh 2 tuyến, cắt ngang không đi trục Nguyễn Trãi. Với những tuyến còn lại, trong giờ cao điểm đã có phương án giảm tần suất 30 xe, tương đương giảm 57% lưu lượng xe buýt đang hoạt động hiện nay.

Trên trục Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy – Cầu Giấy, ông Hải cho biết, hiện có 12 tuyến, đã điều chỉnh 5 tuyến cắt ngang không đi trục Xuân Thủy - Cầu Giấy. 5 tuyến được điều chỉnh lưu thông sang đường Nguyễn Phong Sắc- Trần Thái Tông. Việc điều chỉnh này giúp trục đường Cầu Giấy – Xuân Thủy giảm được 30 lượt xe/giờ.

Chuyên gia giao thông không đồng tình

Cùng với phương án trên, đại diện Sở GTVT cũng cho biết, ngoài lực lượng Công an thành phố, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên hai tuyến đường trên, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên duy trì lực lượng tại 67 vị trí, huy động 84 người/ca trực phối hợp với các lực lượng chức năng... Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng trên thực hiện tốt việc hạn chế taxi lưu thông trong giờ cao điểm tại khu vực nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi và đường Láng (đoạn Tây Sơn- Láng Hạ)...

Chiều 24/10, cho ý kiến về việc Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh và cắt giảm lưu lượng xe buýt để chống ùn tắc, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, họ không ủng hộ phương án trên vì nó đi ngược lại với xu hướng phát triển đô thị. 

Theo Hiệp hội vận tải Hà Nội, không chỉ các thành phố phát triển trên thế giới mà chính Hà Nội trong nhiều năm qua đã đầu tư rất nhiều kinh phí để phát triển phương tiện, hạ tầng xe buýt để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc. 

Trên trục đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông và Cầu Giấy – Xuân Thủy hiện nay rất nhiều trường ĐH-CĐ, việc phát triển xe buýt tại đây đã có hiệu quả khi lượng học sinh, sinh viên đến trường khu vực này chủ yếu là đi xe buýt. Nay Sở GTVT Hà Nội lại đưa ra phương án, cắt giảm xe buýt là đi ngược xu hướng phát triển, cả với các mục tiêu phát triển xe buýt của thành phố đã đề ra. 

Phân tích nguyên nhân ùn tắc trên nhiều tuyến đường Hà Nội hiện nay, một số giảng viên tại ĐH GTVT cho rằng, do lòng đường có quá nhiều công trình thi công, có công trình lập hàng rào lấn chiếm lòng đường kéo dài hàng năm không xong, thì không thể bắt người dân phải chịu khổ khi đi lại.

MỚI - NÓNG