Hà Nội xem xét giảm xe buýt để hạn chế ùn tắc

Trên đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy, Nguyễn Trãi - Hà Đông, cảnh xe buýt nối đuôi nhau ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra. Ảnh: Bá Đô
Trên đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy, Nguyễn Trãi - Hà Đông, cảnh xe buýt nối đuôi nhau ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra. Ảnh: Bá Đô
Khẳng định xe buýt có khả năng vận chuyển lớn, nhưng cũng là tác nhân gây ùn ứ, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội cho biết sẽ nghiên cứu, giảm thiểu lượng xe buýt đi vào giờ cao điểm tại nút trọng điểm.

Sáng 22/10, tại hội nghị bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) đề nghị Sở Giao thông xem xét phương án di chuyển các tuyến xe buýt đi qua các điểm hay xảy ra ùn tắc sang đường khác và giảm tần suất tuyến xe này trong giờ cao điểm.

Theo đại tá Thắng, trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, mật độ tham gia giao thông cao nên mỗi khi xe buýt dừng là hàng loạt xe phía sau phải dừng theo, gây ùn tắc nghiêm trọng.

Không đồng tình với kiến nghị trên, ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở Giao thông cho biết tại các tuyến có nguy cơ ùn tắc cao, Sở đã giảm mật độ xe buýt hoạt động vào giờ cao điểm. Mỗi giờ giảm 30 xe trên các trục Nguyễn Trãi, Xuân Thuỷ - Cầu Giấy, việc này không ảnh hưởng đến nhu cầu của khách.

Trong thời gian tới, theo ông Hải, Sở nên tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động vì đây là phương tiện vận chuyển được nhiều người. "Với trường hợp ùn tắc kéo dài nên bổ sung giải pháp khác, cụ thể như xe con có khả năng vận chuyển thấp nhưng lưu lượng cao nên có thể giảm xe này xuống trong giờ cao điểm, đưa sang các tuyến khác", ông Hải kiến nghị.

Khẳng định xe buýt có khả năng vận chuyển cao, tuy nhiên cũng là một trong những tác nhân gây ùn ứ trong giờ cao điểm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới Sở sẽ giao Trung tâm điều hành giao thông đô thị nghiên cứu, điều chuyển để giảm thiểu lượng xe buýt đi vào giờ cao điểm tại nút trọng điểm.

"Tôi nghĩ dù ít xe buýt, nhân dân có thể chờ lâu hơn 20 phút, nhưng vẫn hơn là có nhiều xe buýt, lên được rồi mà nối đuôi nhau, chôn chân dưới đường cả tiếng vì ùn ứ", ông Viện nói.

Theo cảnh sát giao thông Hà Nội, thủ đô có 11 dự án đang thi công, trong đó có 27 điểm rào chắn, 23 điểm có nguy cơ ùn tắc, đặc biệt là tuyến Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội. Lưu lượng phương tiện những tháng cuối năm tại 15 tuyến trọng điểm đang quá tải 6-7 lần. Hơn nữa rào chắn tại các công trường chiếm 4-5 m đường, khiến các phương tiện đi lại ngày càng khó khăn.

Số liệu của Phòng cảnh sát giao thông cho thấy, mỗi tháng Hà Nội có thêm gần 15.000 xe máy, 4.000 ôtô trong khi đó cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp nên áp lực giao thông tăng cao.

Thời gian qua, Thanh tra Sở giao thông Hà Nội đã xử  phạt 2 công trình hầm chui Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến và Trung Hòa với số tiền 29 triệu đồng do các lỗi: Không có người hướng dẫn giao thông, không bố trí đủ biển báo rào chắn, đèn báo thi công.

Tại dự án Cát Linh - Hà Đông, Công ty Trường Sơn thi công ga La Thành không có giấy phép đã bị phạt 8 triệu đồng. Tại tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, Công ty DaLim bị phạt 75 triệu đồng do không thực hiện phương án thi công và thời gian quy định. Nhà thầu Posco cũng bị phạt 4 triệu đồng, do không có hướng dẫn người tham gia giao thông cạnh công trường...

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.