Sáu vạn người Thủ đô 'âm thầm' đi xe buýt qua... điện thoại

Phần mềm đi xe buýt bằng thiết bị di động đang khiến cho việc đi xe buýt dễ dàng, hấp dẫn hơn.
Phần mềm đi xe buýt bằng thiết bị di động đang khiến cho việc đi xe buýt dễ dàng, hấp dẫn hơn.
Dù chưa chính thức công bố nhưng lượng người dùng phần mềm dành riêng cho việc đi xe buýt ở Hà Nội đã đạt gần 6 vạn người truy cập/ngày. Ít người biết, phần mềm thực dụng, phi giải trí, phi thương mại này do doanh nghiệp nhà nước cùng công ty điện tử Việt Nam bắt tay làm nên.

Trào lưu đi xe buýt kiểu mới

Tại nhà chờ xe buýt trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), cô gái Nguyễn Thị Thảo đang hí hoáy với phần mềm có tên “Tìm Buýt” trên màn hình điện thoại. Thảo đang đợi chuyến buýt số 40 từ Như Quỳnh (Hưng Yên) qua đây để vào nội thành; từ đó bắt tiếp một chuyến nữa để đến nhà chị gái ở Khu đô thị Linh Đàm. 

Sáu vạn người Thủ đô 'âm thầm' đi xe buýt qua... điện thoại ảnh 1

Giao diện đơn giản, ngộ nghĩnh của Tìm Buýt

Chỉ vào màn hình, Thảo nói: “Còn khoảng 6 phút nữa xe buýt số 40 sẽ tới; theo đường chỉ dẫn này, đến phố Nguyễn Hữu Huân, mình sẽ đổi sang xe buýt số 36 để xuống thẳng Linh Đàm”. Thảo đã sử dụng phần mềm này được 2 tháng, do một cậu em là sinh viên Đại học Giao thông vận tải cài giúp. “Trước mình cũng ngại đi xe buýt vì không quen tuyến, đi đâu cũng phải hỏi; có khi xuống nhầm bến đi bộ cả giờ đồng hồ. Bây giờ, những sự cố đó không còn”- Thảo khoe. Đúng như nội dung hiển thị, hơn 6 phút sau, chiếc xe buýt số 40 đến đón Thảo đi. 

Thảo chỉ là một trong rất nhiều bạn trẻ Hà Nội đang sử phần mềm Tìm Buýt do Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) đầu tư này. Nếu các ứng dụng gọi taxi trực tuyến như  Grab, Uber, Staxi… đang nổi như cồn trong giới có điều kiện kinh tế khá; thì Tìm Buýt cũng đang trở thành trào lưu của giới trẻ có phong cách sống bình dân, nhất là sinh viên ở Thủ đô.

Đào Thùy Dung (sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) thường xuyên phải tham gia các hoạt động ngoại khóa. Với Dung, phương tiện rẻ, an toàn nhất là xe buýt. Trước khi biết phần mềm này cách đây 5 tháng, cô sinh viên nhỏ nhắn, gầy guộc này từng nhiều lần tá hỏa vì nhiều cuộc lên nhầm tuyến, xuống nhầm điểm. “Nhiều hôm đi buýt vào buổi tối trên đường Nguyễn Trái, tôi cứ phải ngó đầu liên tục để xem sắp tới nhà trọ chưa. Bây giờ có phần mềm này, gần đến nơi, điện thoại rung, phát tín hiệu cứ ung dung mà xuống”– Dung nói. Dung cho biết, từ khi được mấy các sinh viên nam khóa trên giới thiệu, đến nay, quá nửa khu trọ của Dung (ở làng Phùng Khoang, Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đều biết dùng phần mềm này; trên giảng đường, bí quyết đi xe buýt mới này ngày càng lan rộng.

“Có thể sánh với quốc tế”

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó tổng Giám đốc Transerco – người phụ trách trực tiếp dự án phần mềm này cho hay: Tìm Buýt là sản phầm hoàn toàn miễn phí cho hành khách; bản quyền do Transerco nắm giữ; đơn vị thực hiện là Cty điện tử Bình Anh (công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử và phần mềm tư nhân tại Hà Nội). “Chúng tôi cũng rất bất ngờ bởi chưa chính thức thông báo việc hoàn thành dự án nhưng bình quân một ngày đã có 55.000 người đến 60.000 người truy cập” – ông Triều nói. 

Sáu vạn người Thủ đô 'âm thầm' đi xe buýt qua... điện thoại ảnh 2

Nguyễn Thi Thảo (quận Long Biên) đang sử dụng ứng dụng phần mềm Tìm Buýt.

Với 91 hạng mục nội dung được xây dựng, phần mềm này đáp ứng hầu hết các nhu cầu khi đi xe buýt như: Tìm đường đi phù hợp (mỗi hành trình có 3 phương án: chuyển tuyến ít nhất, quãng đường ngắn nhất, đi bộ ít nhất), báo thời gian xe đến, báo điểm xuống, tra cứu thông tin các tuyến buýt, các thông tin liên quan đến hoạt động của xe buýt toàn thành phố... Giao diện của phần mềm này được thiết kế đơn giản, hiện đại, dễ sử dụng.

Ông Triều tự tin khẳng định: “Phần mềm của Transerco có thể sánh ngang với các phần mềm đi xe buýt của khu vực và thế giới”. Trên kho dữ liệu phần mềm của hệ điều hành Androi, Tìm Buýt cũng là phần mềm hiếm hoi nhận được gần 1.000 bình luận với những lời khen người, “tiện dụng”, “đợi lâu rồi mới có”. Số điểm được người dùng bình chọn cho phần mềm này cũng đạt 4,5 trên thang điểm 5 sao.

Ông Triều cho hay, đến nay, phần mềm này cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục để phát huy hết hiệu quả. Chẳng hạn, Transerco đã chủ động xây dựng đánh mã số hơn 2.000 điểm dừng xe buýt của toàn thành phố để tich hợp vào phần mềm nhằm giúp hành khách xác định nhanh, chính xác hành trình của mình. “Khi khách hàng đứng ở điểm dừng xe buýt chợ Hôm; chẳng hạn điểm dừng này có mã số là 1.120 thì khách hàng chỉ cần gõ mã số đó vào phần mềm sẽ biết được các tuyến nào, điểm nào gần đó, xe nào gần đến nơi; từ điểm này đi đâu sẽ nhanh hơn...” – ông Triều giải thích. Tuy nhiên, hiện Transerco vẫn đang đợi Sở GTVT Hà Nội phê duyệt.

Ông Triều cũng cho biết, do xe buýt của Hà Nội có một số tuyến xã hội hóa, dù đã được tích hợp vào phần mềm nhưng do Transerco không quản lý trực tiếp nên một số chức năng chưa áp dụng với các tuyến này và đang đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. 

“Người Việt Nam rất giỏi và đam mê tin học, phần mềm. Tuy nhiên, các sản phẩm phầm mềm được đưa ra đang có xu hướng phục vụ giải trí, vì mục đích thương mại điện tử hoặc bắt chước phần mềm nước ngoài. Trong khi những phần mềm phục vụ nhu cầu đời sống như phần mền đi xe buýt lại không nhiều” – anh Nguyễn Mạnh Hùng, kỹ sư 8 năm trong nghề của công ty chuyên về phần mềm tại Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.