Ngày 20/2, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị đột quỵ - S.I.S đã chính thức được khởi công xây dựng tại TPHCM. Đây là trung tâm đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được xây dựng với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Trung tâm được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tự chủ và cạnh tranh với quốc tế trong lĩnh vực điều trị đột quỵ.
Công ty Cổ phần dịch vụ Quốc tế S.I.S Việt Nam là chủ đầu tư của dự án nhằm thực hiện tinh thần Nghị quyết 31 của Trung ương Đảng về định hướng phát triển TPHCM: “xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.
TS.BS Trần Chí Cường phát biểu tại buổi lễ khởi công xây dựng dự án. |
Dự án được xây dựng tại vị trí trung tâm của khu công nghệ cao Thành phố Thủ Đức với giao thông kết nối thuận lợi tại cửa ngõ phía đông TPHCM. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng hiện đại chuẩn quốc tế. Dự án được xây dựng trên diện tích 11.000 mét vuông, cao 16 tầng, sau khi hoàn thành, công trình sẽ có gần 30.000 mét vuông sàn.
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là Trung tâm nghiên cứu R&D sản xuất thử nghiệm các trang thiết bị phục vụ cho chẩn đoán điều trị đột quỵ: stent, coils ống thông… Dự án đã quy tụ được các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đến từ Mỹ, châu Âu phối hợp cùng các chuyên gia, nhà khoa học, y bác sĩ trong nước và các phòng thực nghiệm, mô phỏng, phòng sạch… máy móc trang thiết bị hiện đại trên thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, khi đi vào hoạt động đây sẽ là Trung tâm đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu trong chẩn đoán điều trị đột quỵ - tim mạch phục vụ cho nhu cầu trong nước và quốc tế. Trung tâm cấp cứu can thiệp đột quỵ công nghệ cao đáp ứng nhu cầu khẩn cấp cho khu vực cửa ngõ phía đông TPHCM và các tỉnh lân cận góp phần giảm tải cho trung tâm TPHCM.
Tại buổi lễ, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Quốc tế S.I.S Việt Nam cho biết, mỗi năm trên cả nước có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Nếu tính bình quân trong tổng chi phí điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ thì có đến 70% dùng để chi trả cho trang thiết bị, dụng cụ công nghệ cao. Hiện nay 100% trang thiết bị điều trị đột quỵ tại Việt Nam đều phải nhập từ nước ngoài.
Đây là trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị đột quỵ đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. |
Các trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn nhiều thiếu thốn. Chi phí điều trị đột quỵ cao nhưng điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, đặc biệt là bệnh nhân nghèo không thể chi trả được ngoài phần bảo hiểm y tế. Đây là sự bế tắc mà các bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam hiện nay đang đối mặt.
TS Chí Cường nhấn mạnh: “Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị đột quỵ S.I.S TPHCM sẽ giải quyết được bài toán về trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ điều trị bệnh nhân đột quỵ cũng như giảm được giá giúp cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo có điều kiện điều trị, giúp cứu sống được nhiều hơn bệnh nhân đột quỵ. Chúng tôi hy vọng S.I.S TPHCM sẽ sớm ra đời để thực hiện sứ mệnh “Cứu Tinh Cho Bệnh nhân đột quỵ” góp phần phát triển y tế công nghệ cao cho TPHCM và Việt Nam.