Hơn 30 đầu mối, thị trường vẫn rối nguồn cung
Khẳng định với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối thuộc top 5 ở Việt Nam cho rằng, thị trường xăng dầu ở Việt Nam hiện có quá nhiều vấn đề. Theo vị này, với nhu cầu ước tính gần 21 triệu m3, tấn xăng dầu cho năm 2022, trong đó chỉ riêng hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn đáp ứng được khoảng hơn 70% nhu cầu trong nước, việc có hàng chục doanh nghiệp đầu mối các loại mà nguồn cung không rõ tắc ở đâu những ngày qua thật sự là chuyện khó hiểu.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc kiểm soát chặt quy định nhập khẩu xăng dầu sẽ giúp hạn chế được tình trạng thiếu nguồn cung. Ảnh: Như Ý |
Theo vị này, để đảm bảo không lặp lại tình trạng thiếu nguồn cung, Bộ Công Thương cần rà soát chặt chẽ tình trạng thuê kho, mượn giấy phép đại lý… để được cấp phép xăng dầu của các doanh nghiệp cũng như việc tuân thủ lượng dự trữ bắt buộc, mức hạn ngạch phân giao nhập khẩu hàng năm cũng như từng giai đoạn.
“Ở các nước lớn trên thế giới, dùng nhiều xăng dầu gấp nhiều lần Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng chỉ có không quá 5 đầu mối. Ngay như Trung Quốc, thị trường lớn như vậy cũng chỉ có 2 doanh nghiệp đầu mối. Còn xăng dầu (không tính nhiên liệu bay), Việt Nam có tới 33 đầu mối. Không có nước nào nhiều doanh nghiệp đầu mối như Việt Nam mà tình trạng thiếu nguồn cung vẫn xảy ra. Việc cấp phép cho nhiều doanh nghiệp là tốt vì giúp tăng cạnh tranh nhưng việc quản lý thế nào thì cần xem xét lại. Bộ Công Thương lần này cần công khai kết quả kiểm tra và rút giấy phép vĩnh viễn những doanh nghiệp không nhập xăng dầu thời gian qua”, vị này nhấn mạnh
Cơ quản lý cần sớm thực hiện loạt biện pháp để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước là ý kiến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiến nghị trong văn bản khẩn gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 2/9.
Trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn rủi ro nguy cơ đứt nguồn cục bộ, Petrolimex đề nghị liên bộ cần kịp thời điều chỉnh chi phí premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán) và chi phí vận tải, vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá 11/7, và bổ sung ngay vào kỳ điều hành 12/9 tới. Việc này nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.
“Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối. Việc kiểm tra giám sát cần thực hiện ngay từ đầu nguồn nhận hàng, từ các nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu thông qua kết nối dữ liệu từ kho của các thương nhân đầu mối”, đại diện Petrolimex đề xuất.
Doanh nghiệp chi xấp xỉ 6 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính chung từ đầu năm đến ngày 15/8, cả nước nhập khẩu tổng cộng hơn 5,64 triệu tấn xăng dầu các loại với tổng giá trị 5,95 tỷ USD. Trong đó, xăng nhập khẩu hơn 1 triệu tấn trị giá 1,16 tỷ USD; diesel nhập khẩu hơn 3,27 triệu tấn với kim ngạch 3,43 tỷ USD; nhiên liệu bay nhập khẩu 936.387 tấn với giá trị hơn 1 tỷ USD.
So với cùng kỳ 2021, lượng xăng dầu nhập khẩu tăng 19,73% trong khi kim ngạch tăng 127,56%. Đáng chú ý, trong 3 nhóm hàng nhập khẩu chính, mặt hàng nhiên liệu bay và xăng có lượng nhập khẩu tăng mạnh, trong đó, xăng tăng gần 59%, tương đương tăng hơn 370 nghìn tấn; nhiên liệu bay tăng 107%, tương đương tăng hơn 480 nghìn tấn. Hàn Quốc, Malaysia và Singapore là 3 thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc 2,17 triệu tấn, tăng 92%; từ Malaysia với 815.000 tấn, giảm 48,5%; từ Singapore với 753.000 tấn, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
P.Tuyên
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một lãnh đạo doanh nghiệp ở TPHCM cho rằng, trong kinh doanh xăng dầu có tình trạng đại lý, cửa hàng bán lẻ ‘đi chợ ngoài’ (mua xăng dầu từ các nguồn không rõ để bán-PV). Khi nguồn cung bên ngoài bị thắt lại, đại lý, cửa hàng bán lẻ vì để đảm bảo duy trì nguồn hàng, tránh bị phạt, quay lại tăng nhập hàng từ các nhà phân phối.
Một nguyên nhân khiến nguồn cung bị rối thời gian qua, theo vị này, chính là do Bộ Công Thương đã không có chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc giao các doanh nghiệp phải gánh việc cung ứng cho 7 doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép kinh doanh. Việc không giám sát được luồng hàng di chuyển từ các các nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu thông qua kết nối đồng bộ dữ liệu từ kho của các thương nhân đầu mối đến các thương nhân phân phối, tổng đại lý và đến các cửa hàng bán lẻ cũng đang là điểm yếu nhất trong việc điều hành xăng dầu hiện nay.
“Nếu có dữ liệu công khai được giám sát trực tuyến luồng di chuyển này, cơ quan quản lý sẽ không bị lúng túng trong điều hành và xuất hiện tình trạng bất ổn nguồn cung như thời gian qua”, vị này thẳng thắn. Vị này cũng cho rằng, với thẩm quyền của mình, Bộ Công Thương có quyền yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp đầu mối hàng ngày nộp số liệu tồn rồi công bố số liệu đó lên trang web của Bộ Công Thương để các thương nhân kinh doanh xăng dầu toàn quốc nắm được. Bộ Công Thương cũng cần vào kiểm tra và minh bạch số lượng hàng tồn kho, hàng dự trữ bắt buộc theo quy định tại tất cả các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối từ đầu năm đến nay.
Đến lúc xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Chuyên gia Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là phù hợp với quy luật vận động và giá xăng dầu theo hướng thị trường. Theo ông Tuấn, hiện không còn nước nào duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và dù có vai trò lịch sử nhưng đến thời điểm này, việc duy trì quỹ đã lỗi thời. “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang là hình thức bắt người dân nộp tiền để bình ổn cho mình. Nhà nước thực tế không bỏ ra nguồn lực nào cả trong khi Nhà nước vẫn thu đủ thuế, phí các loại từ xăng dầu nhưng rủi ro lại dồn gánh cho doanh nghiệp. Khi quỹ xả nhiều, bị âm quỹ, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng và chịu lãi suất để bù khoản âm quỹ”, ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, với cách quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay, xăng dầu trong nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường minh bạch và phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Điều này rõ nhất khi xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hoặc sẽ tăng chậm theo mong muốn của nhà điều hành. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao, lấy phần tăng/giảm giá để bù vào phần âm quỹ.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, ở góc độ người tiêu dùng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Số liệu từ đầu năm đến nay cho thấy, mức độ “bình ổn” giá cho người dân không được bao nhiêu, thậm chí còn khiến giá xăng RON95 tăng thêm 1,2% (do lượng trích lập cho quỹ nhiều hơn so với lượng bù đắp giá tăng), nhưng lại giúp giá dầu hỏa giảm bớt 1,44% (do lượng trích lập quỹ nhỏ hơn so với lượng bù đắp giá tăng).
Ngoài ra, khi giá giảm, người tiêu dùng không được mua giá thấp hơn ngay vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm trước đó, chưa kể, cần có dư để chi cho những lúc giá tăng cao. Còn ở góc độ cơ quan điều hành, sự can thiệp mang tính chất hành chính, chỉ khiến giá trong nước khó tiệm cận với giá xăng dầu trên thế giới, có thể làm méo mó tính thị trường.
Thêm 5 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép
Theo thông tin của PV Tiền Phong, Bộ Công Thương vừa có quyết định xử phạt và rút giấy phép kinh doanh của 5 doanh nghiệp đầu mối ở khu vực phía Nam vì sai phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Như vậy, sau khi thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu từ hồi tháng 2/2022, đến nay, Bộ Công Thương mới thông báo thực hiện rút giấy phép tổng cộng 12 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
5 doanh nghiệp bị xử phạt và tước giấy phép theo quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Liên quan đến việc bị tước giấy phép, ngày 5/9, Tổng giám đốc Saigon Petro Phạm Văn Thoại đã có Văn bản khẩn số 1195 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Công Thương báo cáo về tình hình kinh doanh xăng dầu. Trong văn bản gửi đi, lãnh đạo Saigon Petro cho biết việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty sẽ gây ra hàng loạt hậu quả. Cụ thể, nếu bị tước giấy phép, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000 m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp. Ngoài ra, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000 m3 xăng dầu.
“Công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái. Công ty sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng để nhập hàng lên bồn và thông quan hàng hoá…”, Saigon Petro cho biết. Đại diện công ty này cũng kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường, và bảo tồn vốn của nhà nước.
Thục Quyên