Xăng dầu góp phần đẩy CPI tháng 10 tăng mạnh

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 10 tăng cao do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng giá nhiều lần.

Ngày 29/10, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/ 2018 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%.

Theo đó, có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá như giao thông tăng 1,55%; giáo dục tăng 0,58%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,22%.... Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,55%, duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 10 tăng cao do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng giá nhiều lần. Như đợt tăng ngày 6/10/2018, giá xăng A95 tăng 570đ/lít, giá xăng E5 tăng 670đ/lít, giá dầu diezen tăng 490đ/lít. Bình quân tháng 10/2018 giá xăng dầu tăng 3,45% so với tháng trước làm tăng CPI chung khoảng 0,14%.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác khiến CPI tháng 10/2018 tăng giá như việc giá thịt lợn tăng 2.000đồng/kg - 3.000đồng/kg so với tháng trước. Giá thịt lợn tăng do người chăn nuôi và doanh nghiệp hạn chế bán ra chờ giá cao hơn và việc việc ngừng nhập khẩu thịt lợn nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

Trước diễn biến giá thịt lợn tăng cao, ngày 9/10/2018 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có buổi trao đổi với 12 doanh nghiệp, tập đoàn lớn chăn nuôi lợn để tìm giải pháp giúp ngành chăn nuôi lợn duy trì được sự ổn định, bền vững. Sau cuộc họp, một số doanh nghiệp đã giảm giá bán thịt lợn. Bình quân giá thịt lợn tháng 10/2018 tăng 0,67% so với tháng 9/2018 làm tăng CPI tháng 10/2018 khoảng 0,03%.

Trong tháng 10, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 12.000đồng/bình 12kg, tăng 3,17% so với tháng 9/2018, do giá gas thế giới tăng 37,5USD/tấn lên mức 655USD/tấn. Có 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ, làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,65% làm tăng CPI chung 0,03%.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 10 năm 2018 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,67% so với cùng kỳ; mười tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ tăng 1,43%.

Bình quân mười tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên. Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 01 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,18% đến 1,67%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản là 1,43% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Trước tình hình trên, Tổng cục Thống kê đưa ra dự kiến 3 nhóm yếu tố tác động CPI trong các tháng còn lại năm 2018. Yếu tố điều hành từ việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh. Yếu tố thị trường từ việc giá xăng dầu, gas tăng theo giá thế giới và tăng do tỷ giá VND/USD tăng và giá lương thực, thực phẩm tăng do nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi cũng tác động nhiều với mức tăng CPI.

Theo dự báo của khí tượng thủy văn, từ nay đến cuối năm dự báo còn 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới và có khoảng 1 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta tập trung ở khu vực Trung Bộ, do đó sẽ ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại các tỉnh bị ảnh hưởng mưa lũ.

MỚI - NÓNG