Xâm hại tình dục trẻ em: Học sinh cần được học về quyền nhân thân

TP - Dư luận xã hội đang nóng lên với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói là các vụ việc đều có nguy cơ bị chìm xuồng nếu mạng xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông không vào cuộc. Vì sao?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm xâm hại tình dục trẻ em - im lặng hay lên tiếng, do các tổ chức xã hội như Liên minh truyền thông và Quyền của nhóm dễ bị tổn thương (RiM), mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet), Nhóm quản trị quyền trẻ em, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình và vị thành niên (CSAGA)... tổ chức, Luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự cho biết ông là người đang trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong vụ việc xâm hại tình dục đối với trẻ em ở Hoàng Mai, Hà Nội.

“Việc tôi nhận giúp cho cháu bé không phải là việc đầu tiên mà là việc tiếp theo của rất nhiều vụ việc. Điều may mắn nhất là sự việc xảy ra ngày 8/1/2017 thì ngày  mùng 10/1/2017, gia đình đã có đơn gửi cơ quan chức năng. Vì nếu muộn hơn thì chứng cứ bị mờ hết lúc đó sẽ rất khó khăn cho việc giám định” - ông Luân cho hay. 

Tuy nhiên, ông Luân cho rằng, thật đáng tiếc, sau khi sự việc ban đầu thuận lợi như thế nhưng  cơ quan công an quận Hoàng Mai đã giải quyết vụ việc theo hướng đơn tố giác tội phạm của công dân, giải quyết trong vòng hai tháng. Hết hai tháng lại ra một thông báo khác để gia hạn tiếp hai tháng nữa.

Mặt khác, Luật sư Luân cho rằng luật pháp của Việt Nam còn nhiều kẽ hở. Đó là hình phạt cho tội xâm hại tình dục trẻ em còn thấp, trọng chứng cứ hơn trọng cung. “Nếu hiếp dâm còn có tinh dịch để làm chứng cứ. Còn dâm ô, nếu không để lại dấu vết gì trên bộ phận sinh dục của trẻ thì phải làm sao? Ở các nước phát triển, họ đã phòng xa hơn chúng ta để bảo vệ trẻ em. Chỉ cần gợi ý sex,  nói chuyện liên quan đến tình dục, cho xem phim, xem tranh ảnh liên quan đến tình dục là đã phạm tội” - ông Luân chia sẻ.

Ông Luân cũng khẳng định, các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em không thể thỏa thuận dân sự. Chỉ cần phát hiện là có thể khởi tố hình sự. “Điều vô lý là chúng ta cứ đòi vật chứng. Đây chính là điều mà các nạn nhân bị xâm hại tình dục không thể giải quyết bằng pháp luật. Đồng thời cũng là lý giải vì sao các vụ việc dâm ô hiện nay các cơ quan chức năng không giải quyết” - ông Luân lý giải.

Bà Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội cũng rất bức xúc khi những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em có nguy cơ chìm xuồng. “Nguyên nhân vì sao có thể bị chìm xuồng? Đầu tiên là sự im lặng của tất cả các bên liên quan. Sâu xa hơn là văn hóa của người Việt rất ngại nói đến vấn đề tình dục. Chính vì vậy, khi xây dựng luật, cũng không dựa trên cơ sở khoa học mà dựa trên nhận thức. Nên khi xử lý vụ việc bị thiếu công cụ pháp lý” - bà Hồng nói.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, chuyên gia về luật dân sự cho rằng trong Bộ luật Dân sự của Việt Nam có quy định rất rõ quyền nhân thân của con người từ điều  25 đến điều 38. “Tôi thấy giáo dục giới tính cho học sinh chưa được đưa vào chính khóa. Trong khi đó, cấp 1, cấp 2, cấp 3 mới chỉ dạy về Luật an toàn giao thông, Luât phòng chống tham nhũng. Đây là câu chuyện mà những người làm luật thấy khiên cưỡng. Đáng ra từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ đưa vào dạy cho các em quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm thân thể và giáo dục các em  không được đánh bạn. Thiếu gì cách đưa quyền nhân thân vào trường học. Vì phần lớn những người xâm hại tình dục lại là người quen biết với nạn nhân. Nếu được học quyền nhân thân thì các em sẽ có giải pháp phòng vệ. Cấp 2 dạy quyền kinh doanh, cấp 3 là quyền chính trị. Theo tôi, chỉ dạy những nội dung được quy định trong hiến pháp là đủ. Vì tôi nghĩ,  bất kể điều gì đều xuất phát từ quyền lợi. Nếu họ nhận thức được quyền thì khi quyền bị xâm phạm họ sẽ có cách phản ứng lại ngay” - ông Truyền phân tích.

MỚI - NÓNG