Xã hội hóa hay hợp thức hóa “cát tặc”?

Nhiều đoạn kè ở thôn Cồn Nâm đang bị sụt xuống nước do không có chân móng
Nhiều đoạn kè ở thôn Cồn Nâm đang bị sụt xuống nước do không có chân móng
TP - Bỏ qua khuyến cáo của nhiều nhà khoa học, tại các điểm đang sạt lở nguy cấp, các doanh nghiệp nạo hút lòng sông ở Quảng Bình trên danh nghĩa xã hội hóa vẫn tiến hành nạo hút trước sự bức xúc của người dân. 

Dự án phi thực tế vẫn được phê duyệt

Trên địa bàn Quảng Bình hiện có 6 dự án xã hội hóa nạo hút cát ở các cửa sông và lòng sông do Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa cấp phép, 3 dự án đã đi vào hoạt động, số còn lại đang hoàn thiện thủ tục.

Theo các nhà khoa học chuyên ngành, việc nạo vét cửa sông, lòng sông là cần thiết để tàu thuyền đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với cơ chế “khoán trắng” cho doanh nghiệp từ khâu khảo sát, thiết kế, phương thức nạo hút, tự thu, tự chi... khiến chủ trương xã hội hóa đúng đắn của Nhà nước bị biến tướng, làm lợi cho một số tổ chức, cá nhân, đe dọa sự an toàn của hai bên bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

“Trước đây đoạn sông này không một tàu bè của cát tặc nào dám bén mảng vì thôn luôn cử một đội bảo vệ canh giữ ngày đêm. Nhưng nay tàu thuyền của cát tặc lâu nay núp bóng, giờ ngang nhiên đến đây, bu vào tàu lớn của doanh nghiệp để mua lại cát chở đi. Làm kiểu ni thì không khác chi là hợp thức hóa cho cát tặc”.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Bí thư chi bộ thôn Cồn Nâm

Một trong những dự án gây nhiều tranh cãi mà Tiền Phong phản ánh là Dự án nạo hút cát ở cửa sông Nhật Lệ (TP Đồng Hới) do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép cho Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hoàng Kim Việt (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện, đã bỏ qua khuyến cáo của các nhà khoa học, nâng khối lượng nạo hút từ 280 nghìn m3 lên 2,2 triệu m3, đe dọa đến sự tồn vong của một phần TP Đồng Hới, đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng.

Một dự án khác đang gây bất bình dư luận tại Quảng Bình là Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa sông Son từ xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) lên xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch). Ngày 7/8/2014, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Tràng An (Quảng Bình) nạo vét thông luồng các đoạn cạn trên sông Son với chiều dài 36km, tổng giá trị hợp đồng hơn 3,3 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 1 năm. 

Lý do cấp thiết phải nạo vét con sông này mà Công ty Tràng An, UBND tỉnh Quảng Bình và Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam trình Bộ GTVT là nhằm phục vụ vận tải thủy khách du lịch tham quan động Phong Nha. Nhưng thực tế, không hề có một tour, tuyến vận tải thủy khách du lịch nào xuất phát từ xã Quảng Văn lên động Phong Nha. Duy nhất chỉ có bến thuyền vận tải khách du lịch tham quan động Phong Nha nằm ở xã Sơn Trạch, cách cửa động vài kilômét chứ không phải là 36km như dự án nêu ra và đang thực hiện.

Nguy cơ mất làng

Thời gian gần đây, Tiền Phong liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của người dân hai bên bờ sông Son khi dự án nạo vét của Cty Tràng An đi vào hoạt động. Họ cho rằng, nếu không dừng dự án này, làng mạc sẽ trôi ra biển hết, không có gì để cứu vãn.

Xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn có gần 1/3 dân số sống trên một cồn nổi nằm giữa ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Son, sông Nan và sông Gianh. Khoảng 20 năm lại đây, gần 3.000 dân của 4 thôn sống trên cồn nổi này phải chống chọi với nạn sạt lở bờ sông hết sức nghiêm trọng. Hàng chục hécta đất bị cuốn trôi ra biển, hàng chục hộ gia đình phải di dời để tránh tai họa ập đến bất ngờ. Dù khó khăn nhưng tỉnh Quảng Bình cũng đã đầu tư cho xã một số đoạn kè chống xói lở. Tuy nhiên, do nguồn vốn eo hẹp, việc đầu tư cũng chỉ mang tính ứng phó.

Do không có chân móng, những đoạn kè ở đây bị bong tróc, đang dần bị tụt xuống lòng sông, đất đai tiếp tục bị sạt lở sau 5 năm xây dựng. Trong lúc người dân sống trong nơm nớp lo sợ, bỗng dưng một con tàu sừng sững như hòn núi về đậu ngay đầu làng ầm ào hút cát ngày đêm. Lãnh đạo thôn chạy lên hỏi xã, lãnh đạo xã trả lời “Họ được ngoài trung ương cấp phép”.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Bí thư chi bộ thôn Cồn Nâm bức xúc cho biết: “Dân chúng rất bức xúc, muốn ra xua đuổi nhưng chúng tôi ngăn lại, sợ vi phạm pháp luật vì họ có giấy phép. Những tàu thuyền của cát tặc lâu nay núp bóng, giờ ngang nhiên đến đây, bu vào tàu lớn để mua lại cát chở đi”.

Ông Nguyễn Ngọc Giai, nguyên Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều Quảng Bình rất bất ngờ khi nghe thông tin doanh nghiệp được cấp phép nạo hút cát sông Son đoạn qua thôn Cồn Nâm. Theo ông Giai, đây là trọng điểm sạt lở trên địa bàn Quảng Bình.

Ngày còn đương chức, ông đã qua đò, qua sông rất nhiều lần về đây để nghiên cứu cách khắc phục sạt lở. Do ngân sách eo hẹp, nên ông đã buộc phải đầu tư mang tính tạm thời bằng cách làm mặt kè bằng bê tông mà không có chân móng, chờ lúc nào có nguồn vốn dồi dào thì sẽ gia cố hệ thống chân móng.

“Các cơ quan chức năng cần xem xét để điều chỉnh lại dự án, nếu không hậu quả sẽ thấy ngay trong mùa mưa lũ tới đây” - ông Giai nói.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.