Khởi tố 6 đối tượng vụ 'cát tặc' trên sông Hồng

TP - Ngày 19/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can 6 đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng để điều tra về hành vi “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, theo Điều 172 Bộ luật Hình sự.
Khởi tố 6 đối tượng vụ 'cát tặc' trên sông Hồng ảnh 1

Cảnh khai thác cát trái phép trên sông Hồng do PV Tiền Phong ghi nhận

Trong số các bị can trên, CQĐT bắt tạm giam 4 bị can gồm: Nguyễn Ngọc Lâm (SN 1987), trú tại thị xã Sơn Tây; Đặng Văn Thành (SN 1992), Đoàn Hồng Sơn (SN 1992), đều trú tại huyện Phúc Thọ; Trần Việt Anh (SN 1988), trú tại Bắc Từ Liêm. Hai nghi can còn lại hiện đang bỏ trốn, là T. (SN 1973) và H. (SN 1987), cùng ở huyện Phúc Thọ.

3 tháng thu lời bất chính hơn 12 tỷ đồng

Như Tiền Phong đã đưa tin, rạng sáng 8/11, gần 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Công an đã bao vây, bắt quả tang 20 tàu khai thác và 16 tàu chuyên chở cát đang khai thác trái phép trên sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Công an cũng thu giữ được nhiều sổ sách ghi chép chi tiết số lượng cát đã được khai thác cùng một số hung khí. 

Theo ước tính của lực lượng chức năng, mỗi ngày các đối tượng đã đánh cắp khoảng 2.000 m3 khối cát dưới lòng sông Hồng, tương đương khoảng 1 tỷ đồng. Hoạt động khai thác cát trái phép, dưới sự bảo kê của một băng nhóm tội phạm đã được phát hiện qua sự tố giác của người dân và được thông tin đại chúng kịp thời phản ánh…
Sau một thời gian ngắn điều tra, bước đầu CQĐT xác định: Từ tháng 9/2014 đến nay, T. và H. đã chỉ đạo 19 tàu quốc khai thác và bán được hơn 240.000 m3 cát, thu trên 12 tỷ đồng. Nếu tỉnh theo tỷ lệ ăn chia với các tàu quốc thì băng nhóm của T. và H. đã thu lời bất chính khoảng 6 - 8 tỷ đồng từ tài nguyên của Nhà nước.

Lãnh đạo địa phương phủ nhận “chống lưng”

Liên quan đến vụ án trên, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 18/11, ông Bùi Xuân Trường, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết trước khi Bộ Công an vào cuộc, Công an huyện có nắm được thông tin về một đối tượng có tên T. (SN 1973) như trên và Cty của đối tượng này được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép kinh doanh khoảng 30 lĩnh vực, trong đó chỉ được phép khơi thông dòng chảy.

“Lợi dụng danh nghĩa này, T. chỉ đạo “tay chân” thu tiền của các tàu qua lại trên địa bàn sông thuộc huyện Phúc Thọ, nhưng chứng minh hành vi thì không dễ. Công an huyện Phúc Thọ đã lập chuyên án đấu tranh và đang trong quá trình điều tra. Còn có việc “chống lưng”, “bảo kê” hay không thì tôi khẳng định là không” – ông Trường quả quyết.
Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Phú - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ thừa nhận, tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn đã diễn ra từ những năm 2009 và thời điểm đó đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhưng đến nay chính quyền chỉ xử lý được 6 vụ, phạt hành chính chưa đầy 200 triệu đồng.

Ông Phú cũng cho hay, đang có sự chồng chéo trong việc quản lý khai thác cát trên địa bàn huyện Phúc Thọ và địa bàn huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc). Điển hình là việc ngày 8/9/2014 vừa qua lực lượng chức năng kiểm tra tàu cuốc số hiệu PT-1832 đang có hành vi hút cát từ lòng sông Hồng lên tàu. Chủ tàu H. (SN 1987) trình bày họ đang khai thác ở địa bàn huyện Yên Lạc (nơi được cấp phép khai thác cát) và được huyện Yên Lạc xác nhận. Do đó tổ công tác của huyện đã bàn giao cho công an Yên Lạc. Nhưng cũng tại vị trí này, ngày 8/11/2014, khi lực lượng của Bộ Công an phối hợp với công an huyện Phúc Thọ bắt số tàu cuốc hút cát nói trên thì phía huyện Yên Lạc lại khẳng định địa phận đó thuộc... TP Hà Nội.

Theo ông Phú do nguồn cát đen dưới lòng sông Hồng có giá trị cao nên một số doanh nghiệp cấu kết các đối tượng tìm cách khai thác trộm với phương thức, thủ đoạn tinh vi như lợi dụng vào giấy phép khai thông dòng chảy để khai thác, chỉ hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ lễ… “Ban đêm chúng tôi nhìn thấy cát tặc hoạt động nhưng không có phương tiện để ra bắt, mình tổ chức lực lượng thì đối tượng bỏ chạy sang địa phận của huyện khác” - ông Phú nói.

Theo ước tính của lực lượng chức năng, mỗi ngày các đối tượng đã đánh cắp khoảng 2.000 m3 khối cát dưới lòng sông Hồng, tương đương khoảng 1 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.