VW E-Bugster Speedster: ‘Bọ’ không khí thải

VW E-Bugster Speedster: ‘Bọ’ không khí thải
TPO - Cái tên E-Bugster là sự kết hợp giữa năng lượng điện “E”, Bug – con bọ theo tiếng lóng của Mỹ, và phong cách speedster - kiểu xe thấp, không mui.

> Lexus ES 300h: Sang và ‘sạch’

VW E-Bugster Speedster: ‘Bọ’ không khí thải ảnh 1

‘Bọ’ Beetle từ lâu đã là một biểu tượng trong ngành công nghiệp ô tô, một trong những mẫu xe bán chạy nhất thế giới, giờ đây, để đến với triển lãm ô tô Trung Quốc 2012 (diễn ra tại Bắc Kinh từ 23-4 đến 2-5), tập đoàn xe Đức Volkswagen từng đặt ra một nhiệm vụ cụ thể: làm thế nào đảm bảo tính thể thao năng động cho một chiếc Beetle vận hành hoàn toàn bằng nguồn điện năng.

E-Bugster chính là câu trả lời của nhóm thiết kế VW: mẫu Beetle theo phong cách thể thao speedster, công suất 85 kW (114 mã lực), tăng tốc từ 0 lên 100 km/h sau 10,8 giây, không khí thải.

Tại Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên Volkswagen E-Bugster được ra mắt tại châu Á dưới dạng ý tưởng (concept).

VW E-Bugster Speedster: ‘Bọ’ không khí thải ảnh 2

Mô đun điện của Volkswagen E-Bugster được thiết kế với công nghệ tân tiến và chỉ nặng 80 kg, cung cấp năng lượng cho mô tơ là nguồn điện từ gói pin lithium-ion gọn nhẹ gắn sau hai ghế, với khả năng tích được 28,3 kWh, cho phép xe vận hành quãng đường ít nhất 180 km, quá đủ cho một mẫu xe đô thị.

Bởi ngay tại một trong những đất nước rộng lớn nhất thế giới như Trung Quốc, phần lớn người lao động cũng chỉ đi tổng quãng đường tương đương tới nơi làm việc và về nhà.

Kể từ khi Volkswagen phát triển công nghệ sạc nhanh, có hai cách để nạp lại năng lượng cho xe, sạc nhanh tại trạm sạc điện (tương tự đại lý bán xăng) trong vòng 35 phút hoặc sạc bình thường với nguồn điện tại nhà, khe cắm sạc được lắp bên thân xe, gần cột C.

Công nghệ này dựa trên một bộ tiêu chuẩn mới, thống nhất đối với các trạm sạc năng lượng của các mẫu xe điện trong tương lai và tương thích với tất cả các nhà sản xuất nhằm cắt giảm chi phí đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của các phương tiện giao thông xanh hơn trong tương lai.

Màn hình hiển thị trong xe sẽ có những thông số về số km có thể đi, trạng thái sạc pin. Đặc biệt có thể hiển thị tình trạng hồi phục pin với hệ thống tái sinh và chuyển hóa năng lượng phanh, mỗi khi người lái rời chân khỏi bàn đạp tăng tốc hay chân phanh, động năng sẽ được chuyển hóa thành điện năng và tích vào gói pin, giúp tăng khả năng vận hành cho E-Bugster.

Volkswagen gọi đó là tổng thể giải pháp công nghệ chuyển động điện phức tạp đó là Blue-e-Motion.

Vậy nên cái tên E-Bugster cũng khá dễ hiểu: sự kết hợp của năng lượng điện “E”, Bug – con bọ theo tiếng lóng của Mỹ và phong cách speedster, kiểu xe thấp, không mui.

VW E-Bugster Speedster: ‘Bọ’ không khí thải ảnh 3

Volkswagen E-Bugster có chiều cao 1.400mm, thấp hơn Beetle mui cứng phiên bản hiện hành 30mm, rộng hơn 30mm (1.838 mm) trong khi chiều dài được giữ nguyên (4.278 mm). Xe đứng trên bộ mâm 20 inch, phiên bản lớn hơn của mâm Beetle 'Twister' 18 inch, song hành cùng bộ lốp 235/35 R 20.

Nội thất của VW E-Bugster cũng mang nhiều nét công nghệ độc đáo, ngoài sự nhất quán của xe từ ngoài vào trong với vô lăng và ghế thể thao, tay nắm cửa và các đường viền được nẹp nhôm.

Mỗi khi nhấn nút ‘Start’ khởi động xe sẽ mang lại cho người lái một sự trải nghiệm độc đáo và thú vị, như một màn trình diễn ánh sáng sống động: ban đầu là một tia sáng trắng, chuyển sang màu xanh rồi trở thành một chùm sáng trên cụm màn hình hiển thị, từ đó tỏa ra các tia sáng rất mỏng, chỉ 1 mm, tạo hiệu ứng tháp phun nước kỳ ảo.

VW E-Bugster Speedster: ‘Bọ’ không khí thải ảnh 4
Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.