Đói tin, đói bụng, no… tai
Đầu tháng 3-2007 tại Hà Nội, CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản đàm phán về bình thường hóa quan hệ song phương. Sau khi đoàn Triều Tiên đột ngột bỏ đàm phán, cánh phóng viên chia nhau bám Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Triều Tiên và nhà riêng Đại sứ Triều Tiên. Đám phóng viên, chủ yếu là người nước ngoài, bu kín quanh Đại sứ quán Triều Tiên, những mong ai đó mở cửa và đưa ra lời giải thích. Lâu lâu có người ra mở cổng (không rõ là lái xe, đầu bếp, lao công hay ai khác) là cả đám xông vào hỏi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Chầu chực từ sáng đến trưa rồi đến chiều, đến tối vẫn công cốc, không có tuyên bố nào được đưa ra. Nhiều phóng viên buồn tè quá nhưng vẫn ăn vạ trước cổng Đại sứ quán dù vườn hoa gần đấy có nhà vệ sinh công cộng. Chịu không thấu, cảm thấy vỡ bụng đến nơi, có phóng viên đưa máy ghi âm cho đồng nghiệp, nhờ chìa ra hộ nếu có người trong Đại sứ quán mở cổng. Một vài phóng viên nhất quyết một tấc không đi, một ly không rời, chỉ mở cánh cửa ôtô của họ đậu gần Đại sứ quán để che thân dưới rồi xả nước xuống dưới bánh xe trước.
Chiều. Đói rát ruột. Một phóng viên châu Âu của EPA rút điện thoại gọi pizza. Khi đồ ăn tới, tay máy này chia cho một số đồng nghiệp châu Á lần đầu gặp mặt đang đứng gần. Nhìn họ ăn có cảm giác đó chính là nhân vật trong truyện ngắn Một bữa no của Nam Cao. Tối muộn. Cảm giác da bụng dính da lưng. Tôi dụ cô gái làm việc cho Yonhap đi ăn ở cửa hàng vỉa hè gần đó. Gọi lẩu ăn cho bõ. Đang chan húp xì xụp thì cánh cửa Đại sứ quán hé mở. Cả 2 buông bát đũa, guồng chân như vận động viên chạy nước rút. Thở hồng hộc. Nhưng vẫn công cốc. Khi quay lại quán để trả tiền mới thấy túi xách của nữ đồng nghiệp vẫn chềnh ềnh trên mặt bàn. Cả ngày hôm đó đói tin, đói bụng nhưng cũng có lúc no tai. Đó là khi nhìn thấy một cô gái trẻ xinh xắn có vẻ là người Trung Quốc, đám phóng viên đực rựa xúm vào hỏi bằng tiếng Anh “Em đến từ đâu thế?”. “Em đến từ Quảng Tây, mới làm cho một đài truyền hình của Trung Quốc ạ”, cô gái đáp bằng tiếng Việt rất chuẩn khiến đám mày râu bất ngờ.
Hôm sau, Đại sứ quán Triều Tiên tổ chức họp báo tại nhà riêng Đại sứ, mỗi cơ quan báo chí chỉ được cử 2 người tham dự. Hai phóng viên của Reuters qua cửa được vài giây thì phóng viên thứ 3 của hãng này vác máy quay xông vào. Bị chặn lại thì càng rướn người bước tiếp, tay với, miệng nói đại ý đổi máy quay. Nhờ mánh này mà hãng tăng cường được một người.
Hacker hay không hacker?
Tháng 5-2006 tại Đà Nẵng, gần 200 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế và 5 tổ chức quốc tế dự Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về cúm gia cầm. Trước giờ hội nghị khai mạc, tôi ngồi trước máy tính thuộc mạng máy tính dành cho phóng viên lắp đặt tại hành lang khách sạn. Lọ mọ các thư mục trong ổ cứng không thấy gì hay, tôi truy cập vào những máy tính khác trong mạng. Đừng nghĩ tôi là tin tặc, oan uổng lắm! Ngồi trước một máy mà tôi vào những máy xung quanh ngon lành vì đơn giản chúng cùng mạng mà không có mật khẩu. Lướt qua những thư mục và tệp tin có tên đáng ngờ, tôi tìm được vài file Word chứa dự thảo một số văn bản chính thức của hội nghị bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Thế là tôi copy thôi, để biết trước nội dung cuộc họp để mà hiểu, để mà hỏi, để mà đưa tin nhanh hơn đối thủ…
Chiêu sục sạo máy tính tôi cũng áp dụng ở nhiều cuộc họp quốc tế khác nhưng gần như chỉ thu được số không. Duy nhất một lần tại hội nghị về an ninh, hợp tác khu vực diễn ra ở Lào, tôi mò được bài báo tiếng Anh của một phóng viên viết về tranh chấp đền cổ Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia. Nội dung mới, hay nên tôi định dịch đăng báo tiếng Việt. Nghĩ lại, thấy giống ăn cắp quá nên thôi.
Tại một hội nghị ASEAN cũng diễn ra ở Lào, người ta hạn chế cung cấp thông tin cho phóng viên. Tập tài liệu dày cộp với trang về chương trình nghị sự tương đối chi tiết nằm trên cùng hiện rõ qua bìa nhựa trong. Năn nỉ xin cô tiếp tân người Lào đến gãy lưỡi mà chỉ nhận được câu: “Tài liệu chỉ phát cho đại biểu thôi anh ạ”. Tôi đành chuyển máy ảnh sang chế độ chụp copy rồi thu trang chương trình nghị sự vào ống kính. Méo mó có hơn không…
Theo dõi hội nghị. |
Điêu toa từ thuở tiền phóng viên
Tinh hoa có ít xít ra nhiều của tôi phát tiết từ thời trẻ dại, chưa làm phóng viên. Năm một nghìn chín trăm… không nhớ, báo Thiếu niên Tiền phong tuyển phóng viên, trong các phần thi có phần tự tác nghiệp viết bài. Tôi nộp vài bài, trong đó có một bài viết về thằng em tôi với nhan đề Vua diều (không phải lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Vua quạ). Số là thằng em rất mê thả diều nên bao nhiêu giấy bỏ vào tay nó đều biến thành các loại diều đủ hình dạng, màu sắc. Thế nhưng cũng chỉ là một cậu bé ham diều hơn bình thường chút thôi. Thế mà tôi biến nó thành hình tượng điển hình, nào là được trẻ con trong xóm, trong làng yêu mến gọi là Vua diều (kỳ thực bọn nó chỉ phục một chút thôi). Nào là trẻ con trong xóm, trong làng mang ngô, khoai, sắn… đến biếu sau khi được thằng em dạy cách làm diều, thả diều, cứu hộ diều… (kỳ thực bọn nó chỉ cảm ơn miệng). Nào là vì kẹp, níu dây diều quá nhiều, gần chục ngón tay của thằng em chai sần, gồ ghề (kỳ thực chỉ đôi ba ngón)…
Phóng viên ảnh của báo Thiếu niên Tiền phong hẹn đến chụp ảnh thằng em để đăng trang nhất. Tôi cuống cuồng giục nó làm một con diều thật hoành tráng. Tại sao Vua diều lại không có diều? Vì vài tuần trước đó, ba mẹ tôi thấy nó ham diều quên ăn, quên học hè nên gom hết đống diều cùng dây dợ đốt hết. Cấm làm diều! Cấm thả diều! Cấm tiệt!
Bị thằng anh thúc đít, thằng em cấp tập chẻ tre, dán giấy làm một con diều hình hộp chữ nhật to lù. Cảm thấy chưa đủ bắt mắt, tôi xông vào giúp nó. Lấy bút dạ màu đỏ, vung tay viết 4 chữ theo kiểu đại tự lên cánh diều: Thiên Địa Sứ Giả.
Sau khi bài Vua diều được đăng và ảnh thằng em lên trang nhất, 2 anh em tôi mừng vỡ mũi vỡ tai. Tôi sướng vì bài được đăng, còn thằng em sướng vì trở thành người của… công chúng. Những cánh thư 4 phương gửi về cho nó xin kết bạn. Thế nhưng, sau này nghĩ lại, tôi thấy mình thật điêu toa, ít nhiều đã lừa dối độc giả.