Vui thôi, đừng vui quá

TP - Chứng kiến “loạt trận” ăn mừng bóng đá vừa qua, một lần nữa lại phải liên tưởng câu phương ngôn “vui sướng có chừng mực khi thành công, đau khổ có chừng mực lúc hoạn nạn”.

Trên một trang mạng bóng đá, có đoạn phim ghi lại hình ảnh một fan đặc biệt - người đàn ông tàn tật nghe đâu ở Biên Hòa ngồi trên chiếc xe dành cho người tàn tật, giong trên đường. Do tay cầm quốc kỳ nên chân ông phải rê xuống đường để vận hành chiếc xe, nom rất khổ sở.

Đoạn phim gây ra hai luồng ý kiến: Một, cảm động về tình yêu bóng đá, yêu đất nước. Hai, lo lắng cho fan này, vì nhao ra giữa đường trong tình cảnh như vậy sẽ rất nguy hiểm, có thể bị dòng người dòng xe nuốt chửng. Thậm chí chính chiếc xe lăn cũng có khả năng gây nguy hiểm cho người khác.

Có người bình luận, nghe có lý:  Sao không ai đẩy hộ xe cho ông ý bớt khổ. Cứ lo quay (phim) với kiếc!

Tình yêu, sự hâm mộ bóng đá của người Việt là điều không cần chứng minh. Nhất là ở một số giải đấu quốc tế gần đây, khi người hâm mộ dần lấy lại lòng tin với đội tuyển. Vòng bảng AFF Cup 2018 vừa khởi động, hàng người dày đặc nhốn nháo ở Mỹ Đình chờ đợi kiếm suất vé trận Việt Nam - Malaysia khiến báo chí nước ngoài mô tả bằng từ “điên rồ”.

Mới thắng Campuchia đã náo loạn cả nước, thì vào bán kết, chung kết càng có lý do để “điên rồ”? Vặn kịch tay ga xe máy gào rú nhảy chồm chồm trên đường còn là cấp độ nhẹ. Nhiều người khôn hồn ngồi nhà mỗi khi có trận đi bão của cổ động viên, bởi họ lo sợ rằng ra đường lúc ấy chẳng phải đầu cũng phải tai. Ngày thường muốn lưu thông trong giờ cao điểm ở điểm nóng giao thông đã là cả một nghệ thuật, huống hồ vạn, triệu người đổ ra đường một lúc trong trạng thái khó kiểm soát thế này.

Theo nhà văn Nguyễn Việt Hà và không chỉ anh: Bóng đá chỉ là trò chơi thôi nhưng cũng là cơn cuồng nhiệt khó ngắt, cuồn cuộn cuồn cuộn, lại còn được cộng hưởng bởi truyền thông và mạng xã hội thì dễ trở nên quá đà. Những người đam mê bóng đá lây nhau đã đành, mà người mê vừa vừa cũng dễ bị cuốn theo. “Đi bão” là một từ mới rất chính xác để mô tả những trận cuồng phong bóng bánh.

Văn hóa thưởng thức và ăn mừng bóng đá của chúng ta quả là “rất vấn đề”. Vì ít niềm vui quá? Nguyễn Việt Hà đồng ý, nói đời sống tinh thần của ta tẻ nhạt “ít được ăn tiệc”. Ai dám bài bác tình yêu bóng đá, nhưng theo anh Hà, sự quá khích, quá độ chứng tỏ “văn hóa thô”, còn văn hóa tinh, nó phải khác! Giá vé bán kết lượt về mà lên tới 7, 8 triệu đồng theo Việt Hà cũng là sự quá khích. “Người già đi bão cũng được. Nhưng ông già 70 gào khản cổ, úp hai cái vung nồi vào nhau hô Việt Nam vô địch, thì nó hơi buồn cười”- “con giai phố cổ” cười nói.

Phải chăng chính vì đời sống tinh thần nhợt nhạt, thiếu vắng niềm vui cho nên càng chả nên hoãn cái sự sung sướng lại? Có dịp là phải vui hết mình, đằng nào ngày vui cũng ngắn chẳng tày gang? Nhưng vui mà gây khốn đốn cho chính bản thân và cả người khác thì có đáng. Cuộc vui vừa tàn thì người ngựa tơi tả thậm chí bỏ mạng, cướp công cha mẹ, thật là cái chết lãng nhách. Còn nếu già mà dại, tai nạn chỉ vì “vui quá” thì càng lãng xẹt, chỉ tổ thiên hạ chê cười. Chưa kể còn làm khó người khác. 

Những trò lố của fan bóng đá thường dễ được thể tất. Đi bão, fan có đâm va nhau cũng dễ làm lành. Những người bị làm ảnh hưởng rồi cũng dễ cười xòa cho qua. Nhưng có lẽ đến lúc người hâm mộ nên tự điều chỉnh tông của mình. Vui thôi đừng vui quá. Thái quá thì bất cập.

MỚI - NÓNG