Vui & lo

Vui & lo
Lễ khai giảng năm học 2011 - 2012 mang đến niềm phấn chấn đối với học sinh trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội khi các em được đón đại diện xuất sắc của thế hệ đàn anh, giáo sư Ngô Bảo Châu. Cả hội trường như vỡ oà trong tiếng reo hò khi tên Ngô Bảo Châu được xướng lên.

> Đẹp như ánh mắt trẻ thơ ngày khai trường
> Phó Thủ tướng gióng trống khai trường

Niềm hoan hỉ đó lại trào dâng thêm lần nữa khi trong bài diễn văn của mình, thầy hiệu trưởng Nguyễn Vũ Lương trìu mến gọi học sinh của mình là những “học sinh ngoan nhất, được đào tạo toàn diện nhất”.

Tuy nhiên, không khí như chùng lại khi thầy Lương nhận lỗi với học sinh rằng, ngay cả việc có một cái sân - nơi học sinh vui chơi và chào cờ mỗi tuần, trường cũng chưa làm được! Đến đây, nhiều quan khách hẳn giật mình khi chợt nhận ra mình đang dự một lễ khai giảng không giống như bao lễ khai giảng khác.

Thay vì các nghi thức được tiến hành trong không gian khoáng đạt, giữa rực rỡ cờ hoa và sắc xanh của những vòm cây trong sân trường thì ở đây, mọi hoạt động được gói gọn trong một hội trường chật hẹp!

Thật ra, câu chuyện khai giảng của học sinh trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội không phải cá biệt, ngay cả khi so sánh với những trường phổ thông khác giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Năm học nào cũng vậy, thỉnh thoảng báo chí lại viết về những lễ khai giảng, buổi chào cờ, buổi học thể dục đặc biệt...

Nhiều đặc biệt đến mức chẳng có gì là đặc biệt nữa, kể cả việc những trường nào đó phải thuê rạp xiếc để tổ chức sinh hoạt tập thể, dắt học sinh xuống vỉa hè để diễu hành, hoặc niềm vui khai giảng chỉ là đặc quyền của học sinh đầu cấp còn học sinh cũ ngồi trên hàng lang vọng xuống!

Và cũng chẳng thiếu gì nơi một khoảng sân nhỏ nhoi được chia cho hai trường, một trường làm khai giảng buổi sáng, một trường làm khai giảng buổi chiều!

Tuy nhiên, xét rộng ra, câu chuyện ngày khai giảng của học sinh Thủ đô cũng chỉ là nét chấm phá trong bức tranh ngổn ngang chung của hệ thống trường lớp học trong cả nước. Đề án kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn 2008 -2012 lẽ ra sắp đến thời điểm hoàn công nhưng các địa phương đành lỗi hẹn với học sinh chỉ vì tốc độ kiên cố hoá không kịp với tốc độ phòng lớp xuống cấp, giá cả gạch cát xi măng sắt thép leo thang còn nhanh hơn cả tốc độ làm việc của người thợ xây trường...

Trẻ con vốn dĩ bao dung, luôn dễ dàng bỏ qua sơ suất cho người lớn, miễn là các em cảm thấy được sống trong yêu thương. Nhưng trước tấm lòng rộng lượng đó, người lớn càng phải đau đáu nhắc mình không được phép quên trách nhiệm mang lại cho các em niềm vui của những ngày khai trường trọn vẹn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG