Vừa tính chuyện thu hồi dự án ven biển, doanh nghiệp đã 'kêu trời'

Dự án Hòn Ngọc Á Châu có diện tích 17ha đất ven biển đang được Đà Nẵng tính thu hồi.
Dự án Hòn Ngọc Á Châu có diện tích 17ha đất ven biển đang được Đà Nẵng tính thu hồi.
TPO - Đó là trường hợp dự án Hòn Ngọc Á Châu, một trong số 37 dự án tuyến ven biển dọc đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa được Đà Nẵng giao và cho thuê đất. Dự án này qua rà soát, được xếp vào nhóm 13 dự án đã được bàn giao nhưng triển khai chậm tiến độ và chưa triển khai.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa giao các sở, ban, ngành làm việc với chủ đầu tư để vận động thu hồi một số dự án chậm triển khai ở khu vực ven biển. Tuy nhiên, ngay lập tức doanh nghiệp đã gửi đơn cầu cứu lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết, để hài hòa giữa quyền lợi người dân cũng như doanh nghiệp.

Lo sợ thu hồi sẽ phá sản

Ngày 1/3/2018, UBND TP Đà Nẵng có văn bản số 19 thông báo nội dung kết luận của lãnh đạo thành phố, trong đó có nội dung xem xét thu hồi hoặc thu hồi một phần dự án Hòn Ngọc Á Châu. Thông tin này lập tức khiến chủ đầu tư dự án Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu hoang mang, lo sẽ phá sản. Công ty này lập tức đệ đơn lên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố bày tỏ lo ngại và mong muốn xem xét, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận.

Vừa tính chuyện thu hồi dự án ven biển, doanh nghiệp đã 'kêu trời' ảnh 1

Dự án Hòn Ngọc Á Châu

Trong đơn của mình, Cty CP Hòn Ngọc Á Châu thừa nhận dự án chậm triển khai, do yếu tố khách quan. Từ năm 2014 đến nay, chủ đầu tư không triển khai dự án được vì những điều chỉnh quy hoạch của thành phố. Suốt quá trình trên, Công ty đã tích cực tham gia đầy đủ các cuộc họp, lắng nghe và thực hiện điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 theo yêu cầu của thành phố. Do tuân thủ pháp luật nên công ty không tự ý xây dựng dù đã đầu tư rất nhiều chi phí và công sức như: san lấp mặt bằng, đóng thuế, thuê tư vấn, ký hợp đồng hợp tác với các đối tác…

Theo đại diện Công ty, thông báo này của UBND thành phố Đà Nẵng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, gây bức xúc cho công ty và các đối tác liên quan. Công ty kiến nghị cho phép bảo lưu và giữ nguyên các thông số chỉ tiêu về quy hoạch đã được phê duyệt tại quyết định số 3846/QĐ-UBND ngày 15/06/2016 của UBND TP Đà Nẵng. Ngoài ra, Công ty cam kết sẽ dùng một phần đất thuộc dự án có chiều rộng 50m mặt biển, chiều dài 323m, sát dự án khu trung tâm du lịch và giải trí quốc tế Silver Shores để làm công viên cây xanh với lối đi bộ để nhân dân có thể sử dụng chung làm lối đi bộ xuống biển bằng kinh phí của doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cam kết sẽ triển khai thi công dự án ngay sau khi được cấp giấy phép xây dựng theo đề xuất trên, nếu chậm trễ sẽ chấp nhận thu hồi theo đề nghị của UBND thành phố Đà Nẵng.

Phải thỏa thuận với doanh nghiệp rồi mới tính chuyện thu hồi

Tại kỳ họp lần thứ 7 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX vừa khai mạc sáng ngày 10/7, Ban Đô thị HĐND thành phố sẽ có báo cáo thẩm tra hoạt động trong 6 tháng đầu năm. Trong đó có việc thẩm tra thu hồi các dự án chậm triển khai để mở lối xuống biển.

Trao đổi bên lề kỳ họp, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, Trưởng đoàn giám sát HĐND thành phố Đà Nẵng, cho biết: Về quan điểm chung, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch chung toàn bộ dự án ven biển. Đặc biệt là khu vực Ngũ Hành Sơn để hài hòa lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp. Trong đó có việc thu hồi một phần hoặc nguyên vẹn dự án để mở lối xuống biển, xây dựng công viên, quảng trường…

“Khi tiến hành làm việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích nhà đầu tư. Tuy nhiên khi thực hiện sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định pháp luật.  Nếu dự án đó sai phạm về mặt pháp luật, chậm triển khai thành phố sẽ phải thu hồi. Thu hồi, có đền bù hay hoán đối phụ thuộc vào tình hình cụ thể từng dự án,  ông Hùng cho biết

Riêng dự án Hòn Ngọc Á Châu, ông Hùng cho hay dự án này chỉ mới đưa ra phương án sẽ thu hồi một phần. Tuy nhiên thành phố vẫn chưa chốt phương án cuối cùng sẽ thu hồi như thế nào. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào quy hoạch điều chỉnh sắp tới như thế nào.

Theo trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng, bất cập lớn nhất ở đây là do điều chỉnh quy hoạch chưa chuẩn, thiếu sự nhất quán.  Đặc biệt là điều chỉnh việc mở lối xuống biển, lúc thì mở lối ở phía bắc lúc lại mở lối phía nam. Trước đây tiếp cận vấn đề chỉ là việc mở lối xuống biển. Nhưng hiện nay đã khác, mở lối xuống biển phải tính để làm gì? Lối xuống biển phải gắn vào công trình, dự án cụ thể. Hiện HĐND thành phố đã nhận được kiến nghị của chủ đầu tư dự án này. Trên tinh thần thương lượng, thành phố sẽ có các phương án sau khi đạt được đồng thuận.

“Nếu như dự án không sai phạm sẽ có những hoán đổi, đề bù thỏa đáng, chủ đầu tư không phải lo ngại chuyện đó”, ông Tô Văn Hùng nói, và cho hay việc giải quyết sẽ dựa trên quy hoạch tổng thể. Trước măt thành phố sẽ thu hồi một số dự án đã có thỏa thuận như lối xuống biển Hồ Xuân Hương, không gian giữa Furama và Ariyana và dự án của Công ty I.V.C (Công ty của Phan Văn Anh Vũ - Vũ "nhôm") để mở rộng công viên Ngũ Hành Sơn.

“Dự án Hòn Ngọc Á Châu kỳ họp này chưa đưa vào danh mục dự án thu hồi vì phải có sự trao đổi, thỏa thuận với doanh nghiệp. Thông báo ý kiến lãnh đạo thành phố không đủ cơ sở pháp lý. Cơ sở pháp lý phải là quyết định của thành phố”, ông Hùng cho biết.

Trả lời ý kiến đại biểu liên quan đến các dự án ven biển tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa IX, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: hiện nay thành phố Đà Nẵng đang triển khai thực hiện quyết liệt thông báo 331 của Thường vụ Thành ủy để lập lại trật tự các dự án ven biển, đặc biệt các dự án chậm triển khai. Quan điểm nhằm cân bằng sinh thái và đảm bảo cho biến đổi khí hậu bởi các dự án không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề.

Theo ông Tuấn, hiện nay thành phố đang thực hiện thu hồi khoảng 11 khu vực tại các dự án ven biển, nhằm tạo công viên cảnh quan, bãi tắm công cộng tạo điều kiện phục vụ công công. Trước đây, bãi cát giao cho nhà đầu tư quản lý nhưng nay phải thu hồi cho công cộng theo luật biển. Việc thu hồi cắt giảm các dự án ven biển nhằm đảm bảo 3 vấn đề : hài hòa về lời ích cộng đồng, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

“Doanh nghiệp, người dân, các cá nhân liên quan đều nằm trong công đồng. Cộng đồng hài hòa lợi ích thì chúng ta mới thực hiện được. Thu hồi cắt giảm phải tạo sự đồng thuận. Hiện nay Ban cán sự UBND thành phố đã giao UBND thành chỉ đạo các sở ngành triển khai thực hiện, kêt quả đã đạt bước đầu. Các dự án sẽ xem xét cẩn trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch chung” ông Tuấn cho biết.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.