Vừa ngừng bắn, hoà bình Syria lại có nguy cơ đổ vỡ

Thoả thuận hoà bình Syria đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau cuộc không kích của Mỹ hôm 17/9. Ảnh: AP
Thoả thuận hoà bình Syria đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau cuộc không kích của Mỹ hôm 17/9. Ảnh: AP
TPO - Chưa đầy một tuần sau khi thoả thuận ngừng bắn ở Syria mà Nga và Mỹ làm trung gian được kích hoạt, vòng xoáy xung đột tại quốc gia Trung Đông này lại đang đứng trước thách thức mới sau vụ không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu hôm 17/9 khiến gần 200 người thương vong.

Vô tình hay hữu ý?

Bốn vụ không kích do Mỹ và liên quân tiến hành hôm 17/9 đánh trúng vào quân đội của chính quyền Syria ở Deir ez-Zor, khiến 62 binh sĩ thiệt mạng, khoảng 100 người khác bị thương. Theo tuyên bố của Damascus, số lượng binh sĩ Syria thương vong trong vụ không kích ‘nhiều nhất trong những tháng qua”.

Ngay sau sự việc xảy ra, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết: “Liên quân tưởng đã ném bom các vị trí của ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) và ngừng tác chiến khi phía Nga thông báo về sai lầm”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hai máy bay chiến đấu F-16 và hai máy bay tấn công mặt đất A10 hôm 17/9 tiến vào không phận Syria từ căn cứ Iraq và thực hiện bốn cuộc không kích nhằm vào quân đội chính phủ Syria gần sân bay Deir ez-Zor, làm ít nhất 62 binh sĩ Syria thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Nga ngay lập tức yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp khẩn cấp. Đại sứ thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố Mỹ đã vi phạm cam kết ngừng bắn cũng như lời hứa từ lâu với chính phủ Syria về không tấn công lực lượng chính phủ.

Theo ông Churkin, tuyên bố của Mỹ về việc đánh chệch mục tiêu khi đánh bom vị trí phiến quân “là không thể tin được”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran ngày 18/9 cũng chính thức lên án việc Mỹ không kích vị trí của quân đội Syria ở Deir ez-Zor và coi đó như “bằng chứng cho thấy Washington ủng hộ khủng bố” như tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi.

Thậm chí, đại diện phe đối lập Syria nhận định rằng, vụ đánh bom "nhầm lẫn" này có thể đe dọa những nỗ lực quốc tế chống Hồi giáo cực đoan.

Hoà bình Syria trước nguy cơ đổ vỡ

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại Vitaly Churkin cho rằng các vụ không kích này đã khiến nhiều binh lính Syria thiệt mạng và có thể khiến thỏa thuận ngừng bắn do Moscow và Washington làm trung gian bị đổ vỡ.

Đáp lại, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho biết Washington vẫn đang điều tra về các vụ không kích trên. Bà Power khẳng định: "Nếu chúng tôi xác định đúng là chúng tôi đã tấn công binh lính Syria, thì đây không phải là ý đồ của chúng tôi và đương nhiên Mỹ lấy làm tiếc về những người đã thiệt mạng".

Đại sứ Mỹ cũng cho rằng việc Nga kêu gọi tổ chức cuộc họp trên là "nhạo báng và đạo đức giả", khi trước đó Moscow chưa từng bày tỏ thái độ giận dữ như vậy trước các hành động giết hại dân thường của quân đội chính phủ Syria trong suốt 5 năm xung đột.

Theo thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào 19h ngày 12/9 vừa qua và được Nga - Mỹ đồng ý gia hạn thêm, quân đội Syria được Nga hậu thuẫn và phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn phải rút khỏi đường Costello - khu vực giao tranh ác liệt ở thành phố Aleppo. Nga cũng sẽ thành lập một điểm quan sát ở hành lang phi quân sự này và chấm dứt các cuộc không kích tại Syria.

Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất trong thoả thuận này, theo các chuyên gia phân tích, chính là sự khác biệt giữa Mỹ - Nga về danh sách các nhóm khủng bố.

Theo Eyal Zisser, chuyên viên nghiên cứu cao cấp về Trung Đông và châu Phi tại Trung tâm Dayan Moshe, vấn đề lớn nhất ở đây là làm thế nào để tách bạch giữa phiến quân thuộc tổ chức IS, Jabhat al-Nusra và những phiến quân ôn hòa tại Syria? Một vấn đề nữa là liệu Tổng thống Syria Bashar Assad có vai trò gì trong thỏa thuận này.

Bên cạnh đó, hoạt động của các nhóm như Jabhat al-Nusra,Jaysh al-Islam và Ahrar al-Sham cũng hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga và Mỹ, trong khi những tổ chức này lại nhận được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ từ các nước vùng Vịnh.

Nga yêu cầu Mỹ “trung thực”

Trong một tuyên bố chính thức hôm 18/9,  Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo lập trường “thiếu tính xây dựng và khó hiểu” của Mỹ xung quanh sự cố hôm 17/9.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng vụ không kích là kết quả của việc Mỹ kiên quyết từ chối hợp tác chặt chẽ với Nga trong cuộc chiến chống IS và các tổ chức khủng bố khác, đồng thời bày tỏ quan ngại khi cuộc không kích xảy ra trong bối cảnh các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng từ phía các nhóm vũ trang bất hợp pháp của phe đối lập tại Syria mà phía Mỹ khẳng định là tham gia lệnh ngừng bắn.

Trong một phát biểu cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng Mỹ dường như không mặn mà trong việc thực hiện đúng những gì hai bên cam kết về mặt ngoại giao trước đó.

“Lý do duy nhất khiến họ không muốn công khai là vì cộng đồng quốc tế, cũng như công chúng Mỹ và Nga ngay lập tức sẽ nhận ra ai là bên không tuân thủ thỏa thuận”, ông Putin nói.

Ông Putin nhấn mạnh Nga-Mỹ cần phải trung thực với nhau và không nên che giấu bất kỳ thỏa thuận nào giữa cả hai. Tổng thống Nga cho biết Moscow sẽ không đơn phương tiết lộ chi tiết bản thỏa thuận cho đến khi nào Washington đồng ý làm điều này.

“Chúng tôi hy vọng những lời hứa được đưa ra bởi chính quyền Mỹ sẽ thành hiện thực”, Tổng thống Nga Putin nói.

Thỏa thuận hòa bình về Syria giữa Nga và Mỹ chỉ đơn thuần phản ánh cam kết chiến lược quân sự chung giữa hai nước, với mục tiêu chính là để chia cắt Jabhat Fateh al-Sham (trước đây gọi là Mặt trận al-Nusra Front) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi các nhóm phiến quân khác. 

Thỏa thuận cũng kêu gọi chấm dứt bắn phá các khu vực dân sự, mở hành lang nhân đạo và phi quân sự hóa các tuyến đường vận tải trọng điểm. Tuy nhiên, truyền thông khu vực cho rằng những biện pháp này chỉ tạo ra ảo tưởng hòa bình ngắn hạn bởi nó không thiết lập bất cứ chuyển động gì về cơ chế chính trị. 

MỚI - NÓNG