Tại con hẻm nhỏ phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM, căn nhà thuê đã 6 năm nay của thiếu tá Lê Hồng Quân trước đây đầy ắp tiếng cười trẻ thơ nay chỉ toàn tiếng khóc. Chị Hiền, vợ anh Quân ngất lịm trên chiếc giường nhỏ, đứa con lớn của anh chị mới 7 tuổi trong mơ khóc to gọi bố, đứa nhỏ mới 17 tháng tuổi cứ thấy người mặc quân phục giống bố lại đòi theo.
Nước mắt lưng tròng, chị Nguyễn Thị Lam, em vợ anh Quân cho biết, chiều 27/1 anh Quân đi công tác rồi ở lại cơ quan, đến sáng 28/1 anh lên máy bay cùng với đồng đội thì gặp phải sự cố đau lòng. “Sáng sớm anh còn gọi điện về đánh thức chị tôi dậy chở con đi học và đi làm. Anh còn dặn chiều về sẽ mua cơm cho cả gia đình ăn. Bố mẹ ở quê, nhiều lần anh muốn về thăm quê nhưng chưa kịp về” - chị Lam kể trong nước mắt.
Vợ anh Quân là bảo mẫu của một trường ở quận 12, lương tháng chẳng được bao nhiêu. Trước đây có thêm lương của anh mà cũng phải xoay xở dữ lắm mới nuôi nổi gia đình, nay gánh nặng gia đình đột nhiên đổ lên vai người vợ trẻ, không biết rồi sẽ ra sao. “Từ khi nghe tin chồng gặp nạn, chị Hiền ngất lịm đi, mỗi khi tỉnh lại thì chị lại đòi gặp chồng”- chị Lam ứa nước mắt khi nói về chị gái.
Cô con gái đầu, cháu Hồng Phương vẫn vô tư chơi cùng bạn bè trong xóm nhưng trong giấc ngủ, bé thường xuyên khóc gọi bố. “Khi tôi dẫn cháu đi tắm thì cháu đòi đợi bố về tắm cho” - chị Lam kể, và cho biết thêm: “Hằng ngày sau khi đi làm về anh Quân thường nấu ăn, giặt đồ và tắm rửa cho con nên cháu quen rồi”.
Khi anh hy sinh, gia đình có nguyện vọng đưa anh về quê an táng. 11 giờ trưa nay 30/1 linh cữu anh sẽ được gia đình và đồng đội đưa về quê nhà như ước nguyện của anh lúc còn sống.
Hiện trường vụ tai nạn.
“Ông ngoại không về nữa rồi”
Chiều 29/1, trong bộn bề công việc, vừa mổ xẻ phân tích, điều tra nguyên nhân tai nạn, tổ chức lễ tang…, một chỉ huy Trung đoàn Không quân 917 chia sẻ, giọng đượm buồn: “Thượng tá phi công Trần Văn Đức vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm bay Trung đoàn từ tháng 9/2014, vậy mà…”. “Ai cũng khen anh Đức hiền lành, dễ gần”- chỉ huy Trung đoàn Không quân 917 nói.
Thuộc thế hệ lâu năm của trung đoàn, anh là một trong số ít phi công còn lại của Trung đoàn tham chiến tại Campuchia đánh Khmer Đỏ. Là chủ nhiệm bay nên anh Đức cũng là thầy của nhiều thế hệ phi công trẻ UH-1, không chỉ phi công Việt mà còn cả phi công Lào, Campuchia mà Trung đoàn Không quân 917 hỗ trợ đào tạo.
Trong những chuyến công tác dài ngày, có khi hàng tuần, nửa tháng xuống các căn cứ như Sân bay Cần Thơ hoặc Sân bay Biên Hòa, Thành Sơn thuộc Ninh Thuận, để huấn luyện hoặc tổ chức diễn tập bắn ném đạn thật, anh Đức thường mang theo bộ đồ câu. “Anh rất thích đi câu và cũng là một tay câu sát cá có hạng. Những lúc rảnh sau buổi bay, anh thường vác cần câu ra các bờ kênh gần căn cứ thả mồi câu. Anh có thể ngồi hàng giờ, lặng im vừa lắng nghe tiếng cá “trở mình”, vừa nghĩ về những bài bay sắp tới hướng dẫn cho lớp đàn em”- một đồng đội nhớ lại .
Còn Thượng tá Đỗ Văn Chính, từng học ngành cơ giới trên không tại Trường kỹ thuật không quân Frunze, Liên Xô từ 1982-1985. Về nước anh được điều về Trung đoàn Không quân 917 và làm việc suốt từ đó đến nay. “Tính anh hiền, nói nhỏ nhẹ nên trong các cuộc trà dư tửu hậu, tranh luận điều gì anh đều “thua trắng””- một đồng đội kể. Nhưng anh cũng chẳng quan tâm, thậm chí đồng đội nhiều khi phải “năn nỉ” anh mới chịu nói.
Con gái đầu của anh và mẹ cùng làm điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 175. Anh Chính lại cùng con rể là thượng úy Lê Duy Cường, dẫn đường kiêm phi công trực thăng UH-1 cũng cùng biên chế tại Phi đội 2 của Trung đoàn. Không hiếm lần cha vợ con rể cùng có mặt làm nhiệm vụ trên cùng tổ bay trực thăng UH-1.
Đón nhận cú sốc quá lớn, chị Thủy và con gái anh Chính ngất lên, ngất xuống. Cháu ngoại anh quá nhỏ, ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra với mẹ, với bà, chỉ băn khoăn sao ông mãi không về để được bồng ra đầu ngõ như thường lệ.
Ngày 29/1, ngay khi được tin chiếc trực thăng quân sự UH1 của Trung đoàn 917, Sư đoàn không quân 370 trực thuộc Quân chủng Phòng không Không quân - Bộ Quốc phòng bị tai nạn tại khu rừng tràm, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cử đoàn đến chia buồn các đơn vị quân sự và gia đình 4 sỹ quan chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện. Nhân dịp này, BIDV hỗ trợ mỗi gia đình 50 triệu đồng.
Q.Thành
Bà mẹ có ba người con là liệt sĩ
Mẹ đẻ Thượng tá phi công Trần Văn Đức là cụ Nguyễn Thị Sáo, sinh năm 1921 (mất năm 2004) có hai người con trai đều là liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Liệt sĩ Trần Văn Thiện và Trần Văn Lượng. Anh Thiện sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1966, hy sinh ngày 23/5/1971 trong chiến đấu. Anh Lượng sinh năm 1946, nhập ngũ năm 1965, hy sinh đúng ngày Quốc khánh 2/9/1972 trong trận đánh tập kích quân địch. Khi hai anh hy sinh, Trần Văn Đức mới là cậu bé lên mười, đã cảm nhận nỗi đau mất mát người thân qua ánh nhìn của mẹ. Và anh lại theo bước hai anh, vào quân đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia với vai trò dẫn đường kiêm phi công. Ngày 28/01/2015 anh đã hy sinh, xác thân không còn lành lặn. Bộ Quốc phòng đã công nhận anh và đồng đội là liệt sĩ. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Quốc phòng nên sớm công nhận cụ Nguyễn Thị Sáo là Mẹ Việt Nam anh hùng.
Post by Báo Tiền Phong.