Trực thăng rơi, tang thương ngập tràn hẻm nhỏ

Các mảnh vỡ xác trực thăng được tìm thấy nhiều nơi. Ảnh CTV.
Các mảnh vỡ xác trực thăng được tìm thấy nhiều nơi. Ảnh CTV.
TP - Từ lúc nghe tin chồng mất, chị Thủy, vợ thượng tá Đỗ Văn Chính ngất lên ngất xuống. Hai vợ chồng có hai con, một trai một gái, con lớn đã lập gia đình.

Sáng 28/1, tai nạn thảm khốc đã xảy ra với chiếc máy bay UH-1 của Trung đoàn Không quân 917 thuộc Sư đoàn Không quân 370 tại Ấp 4, xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, TPHCM làm toàn bộ tổ bay 4 người thiệt mạng.

Bốn chiến sĩ hy sinh trong chiếc UH-1 đang trên đường làm nhiệm vụ, gồm thượng tá phi công Trần Văn Đức, lái chính, trung úy phi công Nguyễn Việt Cường, đại úy Lê Hồng Quân, dẫn đường kiêm phi công và thượng tá Đỗ Văn Chính, cơ giới trên không.

Anh Nguyễn Văn Đen (SN 1980, ngụ ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) kể: “Sáng sớm, nên bầu trời còn đầy sương mù, tôi đang hái rau ngoài đồng thì nghe trên trời có tiếng trực thăng nhưng lạ lắm, tiếng lụp bụp không được bình thường, y như động cơ bị nghẹt xăng. Tôi đoán là trực thăng đã gặp trục trặc, chắc sắp rơi rồi nên bảo con trai nằm xuống. Khoảng 6 phút sau, không nghe tiếng trực thăng nữa, chỉ có tiếng nổ ình ình. Biết trực thăng đã rơi, rất gần chỗ mình núp nên tôi chạy về nhà báo, nhưng không ai tin.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ ấp 3, xã Phạm Văn Hai) kể: “Khoảng 7 giờ sáng, tôi đang lấy cơm cho gà ăn thì nghe tiếng máy bay nổ bành bành. Khoảng 2 phút sau, mới múc được vài giá cơm cho gà, thì nghe một tiếng nổ rất lớn. Sau đó vài tiếng nghe tiếng máy bay khác luẩn quẩn ở khu vực đó, ngoài đường nhiều xe hú còi chạy nên tôi mới nghĩ máy bay rơi”.

Tại hiện trường, cỏ cây cháy rụi quanh chiếc trực thăng, những mảnh vỡ tung tóe khắp nơi. “Toàn bộ vùng đất rộng hơn 1000m2 bị cháy rụi, chiếc máy bay cũng cháy gần hết, chỉ còn phần đuôi văng ra xa là nguyên vẹn” - Anh Tuấn một người dân địa phương kể.

Ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, địa phương đã triển khai toàn bộ lực lượng để tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn, Vị trí máy bay rơi nằm cách cầu Kênh 6, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh khoảng 3km.

Có mặt tại hiện trường, đại tá phi công Lê Văn Hạnh, Chính ủy Sư đoàn Không quân 370 cho biết, lực lượng quân đội và công an đã khoanh vùng bảo vệ, giữ nguyên hiện trường phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân máy bay rơi. Phần xác trực thăng được bảo vệ nghiêm ngặt, sau khi hoàn tất thủ tục khám nghiệm hiện trường sẽ đưa về đơn vị tiếp tục điều tra.

Trực thăng rơi, tang thương ngập tràn hẻm nhỏ ảnh 1

Xe cấp cứu đưa thi hài các liệt sĩ về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Ảnh: Việt Văn.

Cùng ngày tổ công tác của Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Quốc phòng cũng đã bay vào làm việc với Sư đoàn Không quân 370, Trung đoàn Không quân 917 để làm rõ nguyên nhân tai nạn và các biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng trên. Ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM cũng đã làm việc với Sư đoàn Không quân 370 tìm cách khắc phục sự cố. 

Trao đổi với  báo chí, đại tá phi công Lê Văn Hạnh, cho biết theo nhận định ban đầu, “chiếc trực thăng UH-1 đã hỏng hóc nặng khi đang bay, tổ bay đã cố xử lý nhưng không thành công”. Việc xảy ra sự cố hỏng hóc đối với máy bay trực thăng trên thế giới không phải là hiếm, kể cả đối với máy bay mới. Ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo các phi công trực thăng kỳ cựu của Trung đoàn Không quân 917, trực thăng gặp sự cố khi đang bay, thường tổ bay chỉ có vài phút để hạ cánh. Lúc đó máy bay gần như chỉ còn bay theo quán tính. Thường người phi công phải tìm ngay một khoảng đất trống đủ để hạ cánh an toàn. Đó là lý do tại sao, khi bay qua các làng mạc, rừng cây, khi gặp sự cố, phi công thường cố gắng hướng ra cánh đồng để vừa giảm thiểu thương vong cho người dân trên mặt đất, vừa tìm chỗ trống hợp lý để hạ cánh an toàn. Máy bay rơi trong rừng tràm rộng lớn rất có thể do phi công đã không tìm được khoảng trống để hạ cánh khẩn cấp.

Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 370 giai đoạn 1978 – 1979, người từng lái được 9 loại trực thăng của Nga, Mỹ, Pháp, cho biết, máy bay trực thăng UH-1 được thiết kế để chở một tiểu đội lính gồm 11 người trang bị đầy đủ vũ khí đạn dược, hay 1 tấn hàng, tương đương 20 bao gạo. So với Mi-8 hay Mi-171, UH-1 không kén chọn bãi, có thể hạ cánh ở không gian hẹp, trên nền đất yếu, lồi lõm như mặt ruộng.

Trực thăng rơi, tang thương ngập tràn hẻm nhỏ ảnh 2

Trực thăng bị nạn là loại UH-1 đang được sử dụng tại Trung đoàn Không quân 917. Ảnh: Trường Điền.

Tang thương ngập tràn hẻm nhỏ

Nhà thượng tá phi công Trần Văn Đức và thượng tá Đỗ Văn Chính cách nhau chừng 200m, cùng nằm trên đường Giải Phóng, quận Tân Bình, TPHCM. Theo bà Trịnh Thị Toan (hàng xóm), vợ chồng ông Đức sống rất hiền lành, quan hệ thân thiết, chan hòa với hàng xóm. Vợ ông Đức là Hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, gia đình có hai con trai, một học đại học, một đang học phổ thông. Từ đầu giờ chiều, khi nghe tin ông Đức gặp nạn, cả xóm đã sang chia buồn. Bà Toan xúc động: “Trời ơi! Người tốt như thế mà phải ra đi. Nghe nói chỉ hai năm nữa anh Đức sẽ nghỉ hưu, vậy mà…”. Đồng đội ông Đức tại Trung đoàn Không quân 917 cũng cho biết ông là người sống rất hòa nhã, điềm đạm, chuyên môn giỏi và làm việc rất nghiêm túc.

Từ lúc nghe tin chồng mất, chị Thủy, vợ thượng tá Đỗ Văn Chính ngất lên ngất xuống. Hai vợ chồng có hai con, một trai một gái, con lớn đã lập gia đình. Ngay sau khi nghe tin ông Chính hy sinh, hàng xóm láng giềng đã sang chia sẻ an ủi và giúp đỡ. Chính quyền địa phương cũng tới thăm hỏi, động viên.

Thi thể của 4 chiến sĩ hy sinh hiện đang được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp.

Trực thăng bị nạn đã được nâng cấp, thay máy mới

Trực thăng UH-1 có hơn 10 phiên bản, thế hệ cuối cùng là UH-1H, là chiến lợi phẩm thu được của chính quyền Sài Gòn sau khi giải phóng miền Nam. Chiếc trực thăng bị nạn thuộc thế hệ cuối cùng. Mặc dù được sản xuất từ nhiều năm trước đây nhưng UH-1 đang sử dụng tại Trung đoàn Không quân 917 không phải là trực thăng đã quá niên hạn sử dụng. Bởi lẽ vào năm 2010, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam nâng cấp trực thăng UH-1 và chính hãng Bell sản xuất loại trực thăng danh tiếng này thực hiện việc nâng cấp, thay mới máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Có thể nói UH-1 ở tình trạng “bình cũ, rượu mới” đầy đủ điều kiện kỹ thuật để tiếp tục bay. Sự cố đáng tiếc xảy ra nằm trong tỷ lệ rủi ro đáng tiếc mà ngành hàng không dễ gặp phải. 

Thủ tướng gửi lời chia buồn đến gia đình các chiến sĩ hy sinh

Ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình các đồng chí hy sinh trong vụ máy bay trực thăng UH1 thuộc Trung đoàn không quân 917, Sư  đoàn 370, Quân chủng Phòng không- Không quân bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các đồng chí hy sinh; thăm hỏi động viên kịp thời đối với thân nhân, gia đình người bị nạn. Lưu ý đến gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có chính sách hỗ trợ phù hợp.             

Văn Kiên

4 quân nhân hy sinh được công nhận liệt sĩ

Liên quan đến vụ tai nạn máy bay trực thăng quân sự UH-1 của Trung đoàn Không quân 917 (Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không – Không quân) chiều 28/1, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn đang được cơ quan điều tra tiến hành. Cũng theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, do thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nguy hiểm, cả 4 quân nhân hy sinh trong vụ tai nạn này sẽ được công nhận là liệt sĩ. Lễ truy điệu 4 quân nhân sẽ do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức theo nghi lễ quân đội.

Nguyễn Minh

MỚI - NÓNG